VỤ ÁN HAI MƯƠI NĂM TRƯỚC Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment

Hai phát súng trong đêm rằm

Vào một đêm cách đây vừa tròn 20 năm, anh Nguyễn Xuân Anh, một chiến sỹ trong lực lượng vũ trang địa phương ở thôn An giang, xã Mỹ Đức (Phù Mỹ, Nghĩa Bình) đang ngon giấc bổng nghe hai tiếng súng dội lên ở cạnh nhà anh. Tiếp đó là tiếng một người đàn ông la lớn “Thằng Phẩm chạy! thằng Phẩm chạy!”. Rồi tất cả chìm vào im lặng. Xóm Tịnh Hậu thôn An Giang lại thiếp đi dưới ánh sáng trăng vằng vặc của đêm rằm tháng bảy.

Sáng hôm sau Nguyễn Xuân Anh và mấy người hàng xóm tìm tới nơi có tiếng súng, tiếng la trong đêm. Họ nhìn thấy một người nằm úp mặt xuống đất, hai tay bị trói chặt chéo về phía sau bằng dây dù. Sợ dây dù làm dây trói tay còn dư ra khoảng ba mét. Hai chân nạn nhân cũng bị trói bằng dây dù ở phía trên đầu gối khoảng 3cm. Một cách trói tù binh quen thuộc trong chiến tranh để đối tượng chỉ đi mà không thể chạy được. Nạn nhân bị bắn xuyên từ lỗ tai bên này sang lỗ tai bên kia. Máu thấm quanh chỗ đất ông ta nằm đã bầm tím lại. Nguyễn Xuân Anh và mọi người không thấy một thứ giấy tờ gì trên xác cũng như chung quanh nạn nhân. Họ lật xác nạn nhân lên và nhận ra đó là ông Dương Ngọc Chánh, người cùng thôn An Giang, xã Mỹ Đức

Ngay trong ngày hôm đó, cả thôn An Giang rồi cả xã Mỹ Đức xôn xao về cái chết của Dương Ngọc Chánh tức Phẩm. Nhiều người thương xót ông. Một số cán bộ quen thân ông Chánh đặt câu hỏi: Kẻ nào đã giết ông Chánh? Vì sao lại giết ông? Tất cả tình thương và những câu hỏi vừa dấy lên đó đều như những đóm lửa bị dập tắt ngay bởi dòng nước lạnh xối xuống từ thông báo của phó ban công an xã Nguyễn Ngưu: “Tên Dương Ngọc Chánh tức Phẩm là một tên phản động là điệp báo cho Mỹ Ngụy nên cách mạng trừng trị...”

Hai mươi năm sau

“Kính thưa các anh, các chị báo Tiền phong. Tôi là Dương Minh Toàn, sinh ngày 10/10/1968 ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Nghĩa Bình. Năm 1983 tôi thi vào trường Trung học nông nghiệp tỉnh Nghĩa Bình và qua ba năm học tập tôi đã tốt nghiệp khóa Kế toán. Tôi được kết nạp nào Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại trường và điểm thi tốt nghiệp của tôi đạt loại khá. Phấn khởi trước kết qủa ấy, tôi xin vào làm việc ở Sở Y tế tỉnh Nghĩa Bình và được Ban lãnh đạo Sở chấp thuận. Nhưng theo thông báo của Ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh về cái chết của cha tôi Dương Ngọc Chánh, chưa được xác minh rỏ ràng. Tôi vẫn còn là con tên phản động bị cách mạng trừng trị, nên tôi không được cấp bằng tốt nghiệp và nhận công tác.

Thưa các anh, các chị. Ngày cha tôi chết, mẹ tôi mới có bầu tôi chưa đầy hai tháng. Tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mẹ tôi tham gia hoạt động cách mạng đã từng bị giặc bắt đánh đập, tù đày. Đã bao nhiêu lần tôi hỏi mẹ tôi về ba tôi, mẹ tôi đều khẳng định rằng “Ba con là một cán bộ cách mạng bị kẻ xấu giết hại. Con hãy tin rằng Đảng sẽ minh oan cho ba con!”. Tin lời mẹ tôi, anh cả tôi là Dương Minh Trị đã vào chiến khu hoạt động từ năm 1972 khi mới mười sáu tuổi và anh thứ ba là Dương Minh Ninh đã vào bộ đội năm 1980 và hy sinh ở Campuchia năm 1980... Đã bao nhiêu lần chúng tôi gởi đơn lên huyện, lên tỉnh cầu mong sự  điều  tra, xem xét làm rõ về cái chết của ba tôi, vậy mà cho đến nay vẫn chìm trong im lặng. Cái chết của ba tôi đè nặng lên đầu chúng tôi suốt hai mươi năm nay. Cái chết ấy như một cách cửa đang khép chặt cửa ngõ vào đới của chúng tôi. Các anh, các chi hãy vì tương lai chúng tôi mà tìm ra sự thật giúp chúng tôi...”

                                                                                                                              Dương Minh Toàn

Đi tìm sự thật

Hai mươi năm trong đó có bảy năm chiến tranh và mưới ba năm hòa bình đã đi qua, đi tìm lai lịch của một con người đã khuất là một việc làm không đơn giản chút nào. Nhưng với trách nhiệm không chỉ đối với người đã khuất và lớn hơn là đối với tương lai của những đoàn viên thanh niên như Dương Minh Toàn, đã thôi thúc chúng tôi lao vào cuộc tìm kiếm này.

Và những người dân Mỹ Đức đặc biệt là những đồng chí đã từng hoạt động ở Mỹ Đức, Phù Mỹ đã giúp chúng tôi.

Đồng chí Lê Văn Đáng hiện là Bí thư chi bộ, phó văn phòng ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ đã xác nhận về ông Dương Ngọc Chánh như sau “Ông Dương Ngọc Chánh các năm còn đen tối có tham gia hoạt động bí mật cho ta đến năm 1968. Trong khoảng thời gian đó có lúc ông Chánh được ta bố trí vào làm việc trong chính quyền thôn xã của địch. Khi ông Chánh bị bắt rồi bị giết, tôi ở tù mới về, nắm lại tình hình chung trong xã thấy hết sức căng thẳng trong nhân dân và cán bộ. Sau một thời gian tôi trực tiếp là Bí thư Đảng ủy xã, thăm hỏi các đồng chí cán bộ, đảng viên và bà con thì được biết có sự bắt bớ bắn giết một số người vô tội do lầm lẫn, cũng có trường hợp do mâu thuẫn cá nhân. Ông Dương Ngọc Chánh là một trong số đó. Ngay lúc bấy giờ tôi đã nhiều lần đề nghị cấp trên nghiên cứu mở oan cho người ta”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng 47 tuổi, Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hiện đang công tác tại phòng giáo dục huyện Phù Mỹ đã viết: Năm 1964 đến tháng 6 năm 1967 ông Dương Ngọc Chánh công tác trong ngành giáo dục, đi dự lớp sư phạm do Khu mở ở thôn Hòa Tân, Mỹ Đức, sau đó được phân công về xây dựng phong trào ở thôn An Giang. Lúc đó tôi là Hiệu phó của trường Mỹ Đức.

Tháng 7 năm 1967 tôi được phân công là ủy viên Ban an ninh xã Mỹ Đức nên càng hiểu rõ ông Dương Ngọc Chánh, ông một lòng một dạ theo Đảng, không phản bội đầu hàng. Cái chết của ông có nhiều vấn đề phức tạp do cá nhân với nhau. Tôi mong cấp trên nghiên cứu rõ ràng để minh oan cho ông Chánh để các cháu con ông khỏi tội nghiệp...”

Đồng chí Võ Ngọc Chánh, trưởng công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình cho chúng tôi biết: Ông Dương Ngọc Chánh có tham gia cách mạng là cơ sở của ta đúng như các anh Tấn, anh Hùng, chị Đổng xác minh. Về cái chết của ông Chánh thì năm 1968, Nguyễn Ngưu là phó công an xã Mỹ Đức đã bắt một lúc 12 người trong đó có ông và lần lượt cho giết hết, cho đây là vụ gián điệp phản động. Lúc bây giờ tôi là cán bộ an ninh tỉnh Bình Định, phụ trách trưởng đoàn về công tác ở Phù Mỹ đã trực tiếp xác minh, kết luận vụ này do Nguyễn Ngưu tự bịa đặt ra rồi bắt bớ lung tung chứ không có tài liệu, chứng cớ gì để gọi là sự hoạt động gián điệp hay phản động của những người bị bắt”. Hàng loạt bản tự khai của các đồng chí cán bộ, đảng viên hoạt động cùng với ông Dương Ngọc Chánh đều xác nhận vợ chồng ông là cán bộ cách mạng, không đầu hàng phản bội cung khai...

Ai giết ông Chánh?

Anh Hồ Thành Được ở thôn An giang xã Mỹ Đức tham gia cách mạng từ năm 1964 từng làm ủy viên Thường vụ Đảng ủy xã, kiêm xã đội trưởng, bây giờ là thương binh hạng ¾ kể lại

Vào ngày 10 tháng 7 năm 1968 ông Nguyễn Ngưu là phó công an xã Mỹ Đức bảo tôi và đồng chí Mong là  võ trang an ninh đến nhà ông Chánh mời ông đến gặp ông Ngưu. Hai chúng tôi thừa lệnh đến mời ông Chánh giao cho ông Ngưu ngay sau đó.

Ông Ngưu bảo chúng tôi đi chổ khác để ông nói chuyện với ông Chánh. Một lúc sau chúng tôi quay lại thấy hai người đang cải lộn, ông Chánh chửi ông Ngưu là: “Đồ đầu hàng giặc! Mày nói chẳng ai thèm nghe mày. Mày đừng làm trời làm đất với dân!”. Ông Ngưu đuổi hai chúng tôi ra khỏi không cho nghe tiếp. Năm ngày sau, ông Ngưu ra lệnh dẫn ông Chánh lên giao cho đồng chí Phạm Xuân là phó công an huyện Phù Mỹ để khai thác. Đồng chí Phạm Xuân làm việc với ông Chánh, không khai thác được gì. Ông Chánh chỉ nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi chỉ có công chứ không có tội với cách mạng, đề nghị các ông chuyển tôi lên cấp trên thì sự việc sẽ rõ ràng”. Ông Ngưu bực bội ra lệnh cho tôi và đồng chí Lanh đưa ông Chánh vào núi. Ông Ngưu nói: “ Khi đi nếu có tình hình gì thì xử lý bằng được”. Ông Ngưu gọi ông Lanh ra nói riêng điều gì đó tôi không biết.

Đêm 15 tháng 7 âm lịch, chúng tôi đưa ông Chánh đi, ông bị trói tay và ràng chân bằng dây dù, Lanh cầm mối dây đi kế tiếp, băng qua vườn nhà ông Thái Khinh xóm Tịnh Hậu thôn An Giang. Vì chân bị trói nên khi bước chân qua bờ rào vướng dây kẽm gai nên ông Chánh ngã xuống. Liền lúc đó Lanh bắn 2 phát súng CKC vào đầu ông Chánh, ông Chánh chết ngay. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 1968. Lanh chạy ngay về báo cho Nguyễn Ngưu, Nguyễn Ngưu liền lên huyện báo rằng ông Chánh trốn chạy bị an ninh vũ trang bắn chết.

Theo hồ sơ của công an huyện Phù Mỹ, Nguyễn Ngưu đã từng đầu hàng giặc về sau trở thành một kẻ thoái hóa lưu manh. Với bản chất cơ hội, Ngưu luồn lọt vào tổ chức cách mạng và giết hại nhiều cán bộ chi cốt của xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình

Một câu hỏi chưa được trả lời.
Ông Dương Ngọc Chánh tham gia cách mạng và việc ông bị Nguyễn Ngưu giết oan đã được xác minh khá rõ ràng. Vậy mà cho đến nay các con ông phải chịu số phận là “con một tên phản động bị cách mạng trừng trị” không được cấp bằng tốt nghiệp, không được nhận công tác... Cánh cửa vào đời vẫn khép chặt trước mắt họ. Tại sao vậy? Chúng tôi chờ đợi câu trả lời của các đồng chí có trách nhiệm ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình để thông báo cùng bạn đọc về vụ án hai mươi năm trước này



Minh Diện – Hồng Tuyến

No Comment