Kỳ cuối: Niềm vui sau 40 năm bị hàm oan Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment

>>Kỳ 4: Ngôi mộ của người “đang sống”

>>Kỳ 3: Nguyễn Ng. - tên giả danh cách mạng

>>Kỳ 2: Ông Dương Ngọc Chánh - công hay tội?

>>Kỳ 1: Về ngôi nhà có nhiều vụ giết người

Như các kỳ Báo Giáo Dục TP.HCM đã đăng về chuyện ba mẹ tôi bị hàm oan. Quá đau xót và oan ức, vâng lời mẹ, tôi đã đi tìm các nhân chứng là các bác, các cô công tác cùng thời với cha tôi, những người đã tổ chức và liên lạc với cha tôi trong những năm ông làm cơ sở cho cách mạng, nhờ các bác làm những nhân chứng sống xác nhận cho lòng trung thành với cách mạng và đất nước của cha tôi, cũng như xác nhận những hành động tội lỗi của tên Nguyễn Ng. trong thời gian y đội lốt Phó ban An ninh xã Mỹ Đức. Trong đó có bác Võ Tấn, nguyên Phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ; bác Dương Đình Khải, cô Trương Thị Đổng, chú Nguyễn Tàm là người tổ chức cho cha tôi làm cơ sở và liên lạc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cha tôi. Thời gian đầu có bác Lê Văn Đáng, nguyên là Bí thư xã Mỹ Đức thời kỳ 1961, chú Nguyễn Ngọc Phách, nguyên là Phó bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức kiêm Bí thư chi bộ An ninh vũ trang xã, người đã trực tiếp bắt tại trận Nguyễn Ng. đang cưỡng hiếp phụ nữ ở Quang Nghiễm; bác Nguyễn Thanh Bằng - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức 1968, người trực tiếp kiểm điểm Nguyễn Ng. và thay mặt Đảng ủy xã ký quyết định khai trừ Nguyễn Ng. ra khỏi Đảng về tội xử lý người vô cớ và cướp tài sản, cưỡng hiếp công dân. Sau khi có đầy đủ nhân chứng và lời xác nhận, tôi làm đơn xin minh oan cho cha, gửi đến các cấp ủy từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương.

Bà Nguyễn Thị Cầu đã minh oan được cho chồng sau 40 năm hàm oan
... Trong khi chờ sự thẩm định, kiểm tra của các cấp thì năm 1989, có thể nói đây là giai đoạn bi thảm nhất cuộc đời tôi; một người có 17 năm công tác trong ngành y tế, hết ở chiến khu về đến sở y tế tôi không ngừng một ngày cố gắng làm việc để xứng đáng với truyền thống yêu nước của người cha xấu số. Tôi được Nhà nước tặng huy chương chống Mỹ hạng nhất, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng huy chương quyết thắng, Bộ Y tế tặng huy chương vì sức khỏe nhân dân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy chương vì sự nghiệp công đoàn. Nhưng việc xin đi thi và học đại học vẫn bị một vị lãnh đạo ban tuyển sinh của tỉnh không cho đi “vì lý lịch cha tôi bị cách mạng xử lý”. Trong khi đó, mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Cầu) được Nhà nước tặng huân chương kháng chiến chống Mỹ cứ nước hạng 3, em trai là liệt sĩ hy sinh chiến trường Campuchia được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Thật may cho tôi lúc này một số tờ báo đã lên tiếng, em trai tôi Dương Minh Toàn được nhận bằng tốt nghiệp, mẹ tôi được hưởng chế độ liệt sĩ và được tặng huân chương kháng chiến hạng 3, bản thân tôi sau đó năm 1990 mới được đi học đại học sau 15 năm mong muốn và chờ đợi. Nhưng cũng mới giải tỏa ở cấp tỉnh và cấp thành phố, còn nỗi oan của cha tôi người nằm dưới mồ và vết đen chính trị của gia đình, của lý lịch tôi ở tại xã nhà vẫn chưa được công khai minh oan và rửa sạch. Nhiều lần tôi đã đề nghị với tỉnh nhưng vẫn trôi qua.

Đến tháng 2-2009, trong buổi họp đồng hương Phù Mỹ để mừng Đảng, mừng Xuân năm Kỷ Sửu, tôi gặp Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là đồng hương và bạn học với cha tôi từ thời thiếu niên. Sau khi nghe tôi tâm sự về nỗi oan của gia đình mình, Thiếu tướng xúc động và giúp tôi viết một bức thư đạt lý thấu tình, gửi cho Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, đề nghị vì uy tín và niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng. Trung ương có sự chỉ đạo cho tỉnh Bình Định và huyện Phù Mỹ thông báo kết luận của Tổng cục An ninh và Ban bảo vệ chính trị Bộ Nội trung ương đến tận xã Mỹ Đức và chi bộ Đảng ở địa phương về ông Dương Ngọc Chánh là cơ sở cách mạng, bị giết hại. Ông là một giáo viên của ta ở vùng giải phóng, bị hàm oan chứ không phải là cộng tác viên của địch, để xã thông báo cho nhân dân biết và xóa được vết nhơ oan ức cho lý lịch chính trị ông Chánh và gia đình, được hưởng sự trong sạch như mọi gia đình công dân khác. Đồng thời kèm với bức thư của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là lá đơn đề nghị tha thiết của tôi gửi Ban bí thư với nội dung như thư của Thiếu tướng.

Ngày 24-12-2009, Đảng ủy và UBND xã Mỹ Đức đã triển khai thông báo hai công văn của Ban tổ chức Trung ương Đảng và Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định và phổ biến về chi bộ Đảng thôn An Giang Tây, quê của cha tôi là ông Dương Ngọc Chánh đã sinh ra và bị chết oan.

Thế là sau 42 năm (1968-2010) nỗi hàm oan của cha tôi đã được minh oan công khai trước nhân dân, cái bản án mập mờ của kẻ xấu vu cáo cha tôi và lý lịch chính trị của gia đình tôi phủ lên lớp màn đen “gia đình có người làm cộng tác viên cho địch bị cách mạng xử lý” đã được xóa bỏ. Những ngày Kỷ Sửu đi, Canh Dần đến là những ngày vui trọng đại đối với gia đình tôi không gì có thể so sánh được. Từ đây cũng như mọi gia đình khác trên đất nước Việt Nam, gia đình tôi tự hào là một gia đình yêu nước, trong sáng, được hưởng mọi quyền lợi và làm tròn nhiệm vụ của một công dân.

Trúc Chi
 (Viết theo lời kể của Dương Minh Trị, Thanh tra viên Thanh tra Bộ Y tế, công tác tại TP.HCM, con trai của ông Dương Ngọc Chánh)

No Comment