Một gia đình cách mạng kêu oan suốt 47 Năm Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment


(CATP) Là một chiến sĩ cách mạng, đã vào tuổi xế chiều, cụ bà Nguyễn Thị Cầu (83 tuổi, ngụ ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn mang xấp hồ sơ dày cộm đến các cơ quan chức năng, xin minh oan cho chồng. Gần 47 năm trôi qua, năm nào bà cũng đến các cơ quan chức năng với mục đích như thế. Tuổi cao sức yếu, khi không còn đủ sức để đi, bà đã nhờ người con trai Dương Minh Trị (ngụ ở P4Q8, TPHCM, cán bộ Văn phòng 2, Thanh tra Bộ Y tế) đi thay. Đến nay, vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng việc khôi phục quyền lợi, danh dự cho chồng bà vẫn chưa được thực hiện.

Tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - nơi đang nằm điều trị bệnh, bà Cầu cho biết: “Chồng tôi tên Dương Ngọc Chánh, là một thầy giáo dạy tiểu học ở vùng giải phóng. Ngay từ thuở nhỏ, ông Chánh đã sớm tham gia cách mạng và gặp tôi. Cùng tham gia kháng chiến, chúng tôi nên vợ nên chồng, 5 đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống gia đình tôi êm ả thì bất ngờ vào tháng 7-1968, một cán bộ an ninh ở xã Mỹ Đức đến nhà dẫn giải chồng tôi về trụ sở của xã, rồi nói chồng tôi là điệp báo viên của địch. Ngay trong đêm đó, chồng tôi đã bị bắn chết”.


PGS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - thăm hỏi, động viên bà Cầu


 Bà Cầu quả quyết: “Vì vợ chồng tôi cùng tham gia cách mạng nên tôi biết rất rõ, ông Chánh không hề có bất cứ mối quan hệ nào với địch”. Đồng đội của bà và nhân dân địa phương ai cũng xác nhận như thế. Sau khi chồng chết, bà Cầu nhờ đồng đội và nhân dân làm chứng để xin minh oan cho chồng. Thế nhưng, mọi nỗ lực của bà như vô vọng. Khi các con của bà khôn lớn, bà động viên con học hành và tham gia cách mạng, để sau này minh oan cho cha.

Thấu hiểu nỗi đau, ông Dương Minh Trị (con ông Chánh - bà Cầu) quyết tâm tìm mọi cách để giải oan cho cha. Năm 1972, khi vừa đủ tuổi trưởng thành, ông Trị thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ với niềm tin sắt đá: “Đảng, cách mạng sẽ không để ai bị oan sai...”.

Sau ngày giải phóng, ông Trị cùng mẹ đi “gõ cửa” khắp nơi để chứng minh ông Chánh không phải là “điệp báo viên của địch” - như quy kết sai lầm. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ, đảng viên là đồng đội của ông Chánh - bà Cầu đã đồng loạt ký tên xác nhận “ông Chánh là người của cách mạng, không phải là điệp báo viên của địch”.

Trong gia đình ông Chánh - bà Cầu, có một người con là Dương Minh Ninh (liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1980), bà Cầu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và là mẹ liệt sĩ, ông Trị (con ông Chánh - bà Cầu) được khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Thế nhưng khi anh em ông Trị làm hồ sơ dự thi đại học thì chính quyền địa phương không xác nhận, vì lý lịch “có cha là điệp báo viên của địch, chưa được minh oan”. Người em út của ông Trị là Dương Minh Toàn tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, không được nhận bằng tốt nghiệp vì lý do tương tự. Với những nỗ lực cống hiến liên tục từ năm 1972 đến năm 2005, ông Trị mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chỉ vì “cái chết của ông Chánh chưa được kết luận của cấp có thẩm quyền”.

Quá bức xúc, bà Cầu cùng con là Dương Minh Trị tiếp tục gửi đơn lên các cấp từ huyện đến Trung ương, để minh oan cho ông Chánh. Sau khi xác minh lại toàn bộ nội dung sự việc, ngày 14-2-2000 Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã có công văn số 1973/A1(A35) kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Ngày 12-2-2004, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW cũng kết luận với nội dung tương tự. Ngày 16-11-2009, Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn số 6861-CV-BTCTW gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định với nội dung: “Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, Huyện ủy Phù Mỹ biết ông Dương Ngọc Chánh đã được các cơ quan chức năng kết luận không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng”. Theo hồ sơ, người cán bộ chủ mưu bắn chết ông Chánh là người đã từng “đi đêm” với địch. Do ông Chánh biết rõ “vết đen” trong lý lịch của vị cán bộ này, nên ông ta vu khống ông Chánh là điệp báo viên của địch, rồi giết chết ông Chánh. Sau đó, vị cán bộ này đã bị kỷ luật.

Trong công văn số 797/CV-BTĐKT ngày 24-5-2011 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương gửi UBND tỉnh Bình Định cũng nêu rõ: “Ông Chánh đã được minh oan, được kết luận không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng... Mặc dù đã có kết luận minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh của các cơ quan chức năng từ năm 2000 và gia đình đã lập hồ sơ đề nghị khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức của chính quyền địa phương. Để giải quyết dứt điểm khiếu nại nhiều năm của thân nhân ông Chánh, đồng thời đảm bảo thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị UBND tỉnh Bình Định bố trí thời gian làm việc với đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình Định, để có kết luận chính thức về việc khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến của ông Dương Ngọc Chánh”.

Mặc dù vậy, điều lạ lùng là từ đó đến nay, chính quyền địa phương từ xã, huyện đến tỉnh vẫn chưa phục hồi danh dự và trả lại lý lịch trong sáng cho gia đình ông Chánh.



 PHẠM ĐÌNH CHI

No Comment