Di ảnh thầy giáo Dương Ngọc
Chánh
“Bốn mươi năm một cái chết của người thầy không im lặng” là một kỳ án đặc biệt của người cán bộ nằm vùng bị hàm oan. Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu loạt phóng sự của nhà văn Trúc Chi.
Tiếng súng 40 năm trước
Trở
lại 40 năm thời kỳ nhân dân ta làm cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là một cuộc
chiến cực kỳ gian khổ và anh dũng. Một cuộc chiến nói như nhà báo lớn quốc tế
Botsec: Cuộc chiến này đương đầu với một kẻ thù hiểm hóc, độc ác nhưng giàu tiềm
lực. Vì cuộc chiến này huy động cùng một lúc nhiều binh chủng mới thắng được kẻ
thù. Ông Dương Ngọc Chánh, người thầy giáo, thầy thuốc được cách mạng bố trí nằm
trong lòng địch, ngày hoạt động giả danh cho địch, đêm hoạt động cho cách mạng.
Nhưng ông Chánh không chết trong tay địch mà do lòng thù oán riêng tư của Nguyễn
Ng. (Phó công an xã thời đó, vì lý do tế nhị nên tòa soạn xin ghi tên tắt), tự
tiện bắn chết rồi phao tin ông Chánh là điệp viên của Mỹ.
Qua 40 năm, cái
chết người thầy giáo, bao nhiêu lời kêu oan của nhân dân, lời thỉnh cầu của đồng
đội ông Chánh và bấy nhiêu lần gia đình chạy hết “cửa” từ địa phương đến Trung
ương nay mới được minh oan. Sự chiến thắng từ một cái chết của người thầy giáo
chứng minh là lẽ phải, công lý bao giờ cũng chiến thắng bạo lực đen
tối.
Tôi trở về xóm Tịnh Hậu bên vườn nhà ông Thái Khinh (thôn An Giang,
xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vào trưa của một cái nắng oi đến nghẹt
thở, cái gió im đến lặng ngắt. Người dân ở đây cứ vào giờ này, đang yên giấc
giật mình dậy nghe có tiếng súng, có tiếng kêu. Họ bảo, người chết oan cái bóng,
cái tiếng cứ lẫn quất chỗ mình chết chứ không mất đi. Ông Chánh chết tức chết
tối nên cái chết không im lặng. Trong trưa nắng, trưa gió miền Trung, trưa xóm
Tịnh Hậu hình như tôi nghe có tiếng súng của đêm 15-7-1968 (AL). Tiếng súng cách
đây hơn 40 năm.
Sau hai tiếng súng nổ đêm đó, người dân xóm Tịnh Hậu chạy
tới lật người bị bắn ra thấy hai tay bị trói chéo về phía sau bằng dây dù. Hai
chân người bị hại được quấn chặt hai ngón chân cái. Một cách trói mà người bị
hại chỉ đi được từng bước ngắn chứ không thể nào chạy được. Vậy mà người xóm
Tịnh Hậu đêm đó nghe hai lần la: Thằng Chánh chạy! Thằng Chánh chạy! Khi nhận ra
nạn nhân là người thầy giáo của xã mình thì mọi người kêu lên đau đớn: “Ông
Dương Ngọc Chánh chết rồi!”.
Kịch bản một cuộc giết
người
Ai bắn ông Chánh? – Ông Hồ Thành Được, người chứng kiến Nguyễn
Ng. Phó công an xã đã từ lâu ghép tội ông Chánh làm gián điệp cho địch phá hoại
phong trào cách mạng xã Mỹ Đức. Có mấy lần gặp Nguyễn Ng., ông Chánh bác bỏ
những điều vu khống ấy và đòi đưa mình lên gặp cấp lãnh đạo nơi mình nhận nhiệm
vụ hoạt động. Và lần gặp cuối cùng Ng. cho đòi ông Chánh đến trụ sở để “thẩm
vấn”. Hai người lời qua tiếng lại, cuộc “thẩm vấn” không thành. Cũng chính lúc
đó ông Được chứng kiến Nguyễn Ng. vừa tự tay trói vừa nói: “Ngày xưa ông già tao
trút trộm cá bị ông già mày bắt đánh. Bây giờ bắt mày tao không đánh mà tao xử
không cho mày được sống để mày làm thầy thiên hạ”. Đến hơn nửa đêm cũng tự Ng.
chọn giờ lúc ông sao thần nông chúc đầu về núi Chóp Chài mới cho giải ông Chánh
đi. Cùng với ông Lanh trong ban võ trang giải ông Chánh, ông Được chứng kiến
Nguyễn Ng. căn dặn riêng với ông Lanh trước khi đi. Trên đường đi vừa đến xóm
Tịnh Hậu, Lanh trở súng bắn phát thứ nhất, tiếp phát thứ hai khi ông Chánh vừa
vấp ngã hai lần bên hàng rào gai thép trong vườn ông Thái Khinh. Sau đó một hai
ngày, mặc dù không phải mình bắn ông Chánh, nhưng ông Được vẫn nói lên sự việc
ông Chánh bị sát hại.
Trưa nay tôi đang đứng chỗ tiếng súng nổ đêm ấy.
Gặp một số bà con ngoài thôn đầm Trà Ổ, một số bà con dưới thôn Tịnh Hậu đi chợ
đi làm về nói, đêm ấy nghe tiếng súng, chạy vào nhận ra ông Chánh - người y tá
từng mang thuốc mang băng giúp người đầm Trà Ổ. Người thầy giáo dạy hai lớp học
của đầm Trà Ổ và một lớp bổ túc cho người lớn của thôn Tịnh Hậu. Đêm ấy họ thấy
từng giọt máu của ông Chánh cùng những giọt máu của bà con sáng hôm qua chết
trong trận càng của địch từ đồn Gò Dê kéo lên giết dân. Máu bà con ban ngày còn
hồng trên đất. Giờ máu của ông Chánh -người cách mạng bị ông phó công an xã của
ta bắn chết, trong đêm màu máu đỏ hơn lửa. Màu máu của hai cái chết cùng trong
một ngày một đêm, cùng hai bên đường ranh tranh chấp ta và địch. Rồi họ nhón
chân chỉ cho tôi vào nhà Nguyễn Ng. nằm giữa xóm Tịnh Hậu ngôi nhà im ắng lạnh
ngắt như một nấm mồ. Ngoài này nắng sáng, gió thổi chỉ Nguyễn Ng. ở nhà đóng kín
cửa sợ nhiều con mắt tìm xoáy vào mình để đòi trả nợ. Nó phải trả ngay từ trong
một nhà của nó – ngôi nhà mà nhiều vụ Nguyễn Ng. giết người đều có nó trong ấy
nhìn thấy. Cái chết ông Dương Ngọc Chánh là kịch bản của Nguyễn Ng. viết ra và
nó cũng đang nhìn thấy kịch bản của mình từ trong đêm ấy.
TRÚC CHI
No Comment