NIỀM VUI ĐẦU XUÂN Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm báo tại tỉnh Nghĩa Bình (sau này tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi), là phóng viên viết trên lĩnh vực chính trị - xã hội và xây dựng Đảng. Ngày ấy, tuổi còn trẻ, lại là đảng viên, tôi trở thành cây viết xông xáo của báo.

Vào đầu năm 1989, tôi được tiếp cận một tài liệu: lá đơn cầu cứu xin được làm rõ cái chết của chồng do bà Nguyễn Thị Cầu - một cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ viết. Đọc xong lá đơn, tôi ám ảnh suốt mấy ngày liền. Chiến tranh đi qua gần 15 năm rồi, nỗi đau của nó còn hiện hữu trong bao gia đình, mà gia đình bà Cầu là một trong số đó. Chồng bà, ông Dương Ngọc Chánh, cũng là cơ sở cách mạng, bị giết một cách mờ ám vào tháng 7/1968 bởi tay một du kích mất phẩm chất, tên là Nguyễn Ngưu. Sau giải phóng, cái chết của ông Chánh không được xác minh, thời gian cứ thế trôi đi. Sự đóng góp cho cách mạng trong chiến tranh của gia đình bà Cầu chưa được ghi nhận. Người con trai cả của bà, anh Dương Minh Trị, đi theo cách mạng từ năm 1972, là cán bộ y tế Nghĩa Bình, chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì cái chết của cha chưa rõ ràng. Đáng thương nhất là em Dương Minh Toàn, em trai anh Trị, khi cha chết còn đang trong bụng mẹ, vậy mà học xong không được cấp bằng, không được phân công công tác. Tôi đọc đi đọc lại lá đơn của Toàn gửi kèm lá đơn của mẹ , Toàn viết: Mẹ tôi nói với chúng tôi rằng, ba con là cán bộ cách mạng bị kẻ xấu giết hại, rồi Đảng sẽ minh oan cho ba con. Nhưng biết đến bao giờ ba chúng tôi mới được minh oan?

                                                       Đặc công rừng Sác. Ảnh: TL

Là một người được sinh ra, lớn lên tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vào miền Trung làm báo, lúc đó trong tôi cuồn cuộn một quyết tâm đi tìm sự thật, góp phần trả lời câu hỏi của Toàn, xoa dịu nỗi đau của một người vợ, một người mẹ đã cống hiến cho cách mạng. May mắn là hồi đó, kế hoạch của tôi được ông Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung hết sức ủng hộ. Và sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, làm việc với một số cơ quan chức năng và những nhân chứng sống, ngày 21/3/1989, trên số báo 1531, bài phóng sự điều tra: Truy tìm một sự thật ra đời. Hồi đó, tôi không thể ngờ, bài báo của tôi lại xôn xao dư luận trong tỉnh đến thế, đặc biệt là gây được sự quan tâm, chú ý lớn trong tỉnh ủy. Ngay sau khi bài báo được đăng, anh Dương Minh Trị tìm đến căn phòng tập thể của tôi để cảm ơn, anh cười vui sướng, gương mặt hạnh phúc đầy nước mắt. Lúc ấy, tôi thấy lòng mình sao thanh nhàn, nhẹ nhõm.

Tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra thuận lợi. Song sự đời không đơn giản đến thế vì còn có những việc quan trọng hơn; vì chưa có chủ trương minh oan cho những trường hợp bị oan trong thời kỳ chiến tranh và vì cả những điều tế nhị khác nữa..., nỗi oan của gia đình bà Cầu tạm thời vẫn bị gác lại. Anh Trị đến gặp tôi, lại khóc. Lần này là những giọt nước mắt buồn tủi, thất vọng. Lòng tôi trĩu nặng!

Năm 1991, tôi rời Bình Định, trở ra Hà Nội làm báo. Cuộc sống bộn bề lo toan, song thỉnh thoảng tôi cũng hỏi thăm và biết tin về anh Trị. Tôi biết anh đã chuyển vào TP. HCM, vẫn làm trong ngành y và vẫn kiên trì gửi đơn, thư đi mọi nơi xin minh oan cho cha mình. Tháng 8/2005, niềm vui đầu tiên đến với anh Dương Minh Trị, sau khi các cơ quan chức năng xác minh và kết luận cha anh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch để chống phá cách mạng, Đảng ủy khối Bộ Y tế trực thuộc Thành ủy TP. HCM đã ra quyết định chuẩn y kết nạp cho anh. Anh Trị đã tốn nhiều công sức hỏi ra địa chỉ của tôi và gọi điện chia vui. Tôi chia vui cùng anh và lòng thấy nhẹ đi.

Cách đây ít hôm, tôi đang bận tối mắt làm báo Tết thì anh Trị gọi điện, xin địa chỉ hòm thư điện tử, giọng rất vui, anh dặn tôi, tối về nhà phải mở ra xem để chia vui cùng anh. Không đợi về nhà, cắt điện thoại với anh, tôi mở máy ra, xem ngay. Anh Trị gửi cho tôi nội dung công văn của Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định gửi các cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ, xã Mỹ Đức (quê anh Trị) thông báo kết luận của cơ quan chức năng về vấn đề lịch sử chính trị của ông Dương Ngọc Chánh đã được nêu tại Công văn số 6861 - CV/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương ngày 16/11/2009 cụ thể là:

Ban tổ chức Trung ương nhận đơn của đồng chí Dương Minh Trị, thanh tra viên Bộ Y tế, công tác tại TP. HCM đề nghị có ý kiến với tỉnh Bình Định về lịch sử chính trị của cha.

Ban tổ chức Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ của ông Dương Ngọc Chánh. Tháng 2/2004, các cơ quan chức năng đã kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch để chống phá cách mạng... Vì vậy, ngày 31/8/2005, Đảng ủy khối Bộ Y tế trực thuộc thành ủy TP. HCM đã có quyết định chuẩn y kết nạp Đảng cho đồng chí Dương Minh Trị. Ban tổ chức Trung ương đề nghị Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (quê đồng chí Dương Minh Trị).

Đọc xong nội dung này, tôi vui quá. Giá có em Toàn, em của anh Trị để tôi nói với em rằng: Đảng đã minh oan cho cha em rồi Toàn ơi! Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 3/2, ngày sinh nhật lần thứ 80 của Đảng, câu chuyện có hậu này tôi muốn viết ra như sự chia sẻ để niềm vui nhân lên.


Hà Nội tháng 1/2010
Doãn Quân

No Comment