Xem "Bài viết trước đây"

Một gia đình cách mạng kêu oan suốt 47 Năm


(CATP) Là một chiến sĩ cách mạng, đã vào tuổi xế chiều, cụ bà Nguyễn Thị Cầu (83 tuổi, ngụ ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn mang xấp hồ sơ dày cộm đến các cơ quan chức năng, xin minh oan cho chồng. Gần 47 năm trôi qua, năm nào bà cũng đến các cơ quan chức năng với mục đích như thế. Tuổi cao sức yếu, khi không còn đủ sức để đi, bà đã nhờ người con trai Dương Minh Trị (ngụ ở P4Q8, TPHCM, cán bộ Văn phòng 2, Thanh tra Bộ Y tế) đi thay. Đến nay, vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng việc khôi phục quyền lợi, danh dự cho chồng bà vẫn chưa được thực hiện.

Tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) - nơi đang nằm điều trị bệnh, bà Cầu cho biết: “Chồng tôi tên Dương Ngọc Chánh, là một thầy giáo dạy tiểu học ở vùng giải phóng. Ngay từ thuở nhỏ, ông Chánh đã sớm tham gia cách mạng và gặp tôi. Cùng tham gia kháng chiến, chúng tôi nên vợ nên chồng, 5 đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống gia đình tôi êm ả thì bất ngờ vào tháng 7-1968, một cán bộ an ninh ở xã Mỹ Đức đến nhà dẫn giải chồng tôi về trụ sở của xã, rồi nói chồng tôi là điệp báo viên của địch. Ngay trong đêm đó, chồng tôi đã bị bắn chết”.


PGS.TS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - thăm hỏi, động viên bà Cầu


 Bà Cầu quả quyết: “Vì vợ chồng tôi cùng tham gia cách mạng nên tôi biết rất rõ, ông Chánh không hề có bất cứ mối quan hệ nào với địch”. Đồng đội của bà và nhân dân địa phương ai cũng xác nhận như thế. Sau khi chồng chết, bà Cầu nhờ đồng đội và nhân dân làm chứng để xin minh oan cho chồng. Thế nhưng, mọi nỗ lực của bà như vô vọng. Khi các con của bà khôn lớn, bà động viên con học hành và tham gia cách mạng, để sau này minh oan cho cha.

Thấu hiểu nỗi đau, ông Dương Minh Trị (con ông Chánh - bà Cầu) quyết tâm tìm mọi cách để giải oan cho cha. Năm 1972, khi vừa đủ tuổi trưởng thành, ông Trị thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ với niềm tin sắt đá: “Đảng, cách mạng sẽ không để ai bị oan sai...”.

Sau ngày giải phóng, ông Trị cùng mẹ đi “gõ cửa” khắp nơi để chứng minh ông Chánh không phải là “điệp báo viên của địch” - như quy kết sai lầm. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ, đảng viên là đồng đội của ông Chánh - bà Cầu đã đồng loạt ký tên xác nhận “ông Chánh là người của cách mạng, không phải là điệp báo viên của địch”.

Trong gia đình ông Chánh - bà Cầu, có một người con là Dương Minh Ninh (liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1980), bà Cầu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và là mẹ liệt sĩ, ông Trị (con ông Chánh - bà Cầu) được khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Thế nhưng khi anh em ông Trị làm hồ sơ dự thi đại học thì chính quyền địa phương không xác nhận, vì lý lịch “có cha là điệp báo viên của địch, chưa được minh oan”. Người em út của ông Trị là Dương Minh Toàn tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, không được nhận bằng tốt nghiệp vì lý do tương tự. Với những nỗ lực cống hiến liên tục từ năm 1972 đến năm 2005, ông Trị mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chỉ vì “cái chết của ông Chánh chưa được kết luận của cấp có thẩm quyền”.

Quá bức xúc, bà Cầu cùng con là Dương Minh Trị tiếp tục gửi đơn lên các cấp từ huyện đến Trung ương, để minh oan cho ông Chánh. Sau khi xác minh lại toàn bộ nội dung sự việc, ngày 14-2-2000 Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã có công văn số 1973/A1(A35) kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Ngày 12-2-2004, Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW cũng kết luận với nội dung tương tự. Ngày 16-11-2009, Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn số 6861-CV-BTCTW gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định với nội dung: “Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, Huyện ủy Phù Mỹ biết ông Dương Ngọc Chánh đã được các cơ quan chức năng kết luận không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng”. Theo hồ sơ, người cán bộ chủ mưu bắn chết ông Chánh là người đã từng “đi đêm” với địch. Do ông Chánh biết rõ “vết đen” trong lý lịch của vị cán bộ này, nên ông ta vu khống ông Chánh là điệp báo viên của địch, rồi giết chết ông Chánh. Sau đó, vị cán bộ này đã bị kỷ luật.

Trong công văn số 797/CV-BTĐKT ngày 24-5-2011 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương gửi UBND tỉnh Bình Định cũng nêu rõ: “Ông Chánh đã được minh oan, được kết luận không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng... Mặc dù đã có kết luận minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh của các cơ quan chức năng từ năm 2000 và gia đình đã lập hồ sơ đề nghị khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức của chính quyền địa phương. Để giải quyết dứt điểm khiếu nại nhiều năm của thân nhân ông Chánh, đồng thời đảm bảo thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị UBND tỉnh Bình Định bố trí thời gian làm việc với đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình Định, để có kết luận chính thức về việc khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến của ông Dương Ngọc Chánh”.

Mặc dù vậy, điều lạ lùng là từ đó đến nay, chính quyền địa phương từ xã, huyện đến tỉnh vẫn chưa phục hồi danh dự và trả lại lý lịch trong sáng cho gia đình ông Chánh.



 PHẠM ĐÌNH CHI
Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Công văn gởi ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Định

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
**
Số 6861-CV/BTCTW
V/v Thông báo lịch sử chính trị
ông Dương Ngọc Chánh
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà nội, ngày 16 tháng 11 năm 2009

Kính gửi:
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định

Ban Tổ chức Trung ương nhận được đơn đề ngày 27 - 10 - 2009 của đồng chí Dương Minh Trị, Thanh tra viên Bộ Y tế, đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo để địa phương biết lịch sử chính trị của cha đồng chí là ông Dương Ngọc Chánh

Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ ông Dương Ngọc Chánh; được biết ngày 12-2-2004, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương có Công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thông báo việc Tổng cục An ninh, Bộ Công an có các công văn số 1973/A11 ngày 14-12-2000, số 1028/A11 ngày 6-8-2001 và 527/Ạ ngày 22-12-2003 “ Kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”

Sau khi có kết qủa thẩm tra, xác minh cùa các cơ quan chức năng, ngày 31-8-2005 Đảng ủy khối Bộ Y tế trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định chuẩn y kết nạp đồng chí Dương Minh Trị vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (quê đồng chí Dương Minh Trị) biết ông Dương Ngọc Chánh đã được các cơ quan chức năng kết luận không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng.

Khi có thông báo gửi đến cấp ủy chính quyền địa phương, đề nghị Ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Định gửi Ban Tổ chức Trung ương 1 bản để lưu hồ sơ ông Dương Ngọc Chánh./.

Nơi nhận:
-Như trên
- Đ/c Dương Minh Trị
-D/c Phạm Văn Thọ
-Lưu VP, Vụ BVCTNB;
(HS cá nhân)
T/L TRƯỞNG BAN
CHÁNH VĂN PHÒNG

Đã ký

Nguyễn Tuấn Phong




Công Văn gởi UBND tỉnh Bình Định


Bộ Nội Vụ
BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG
TRUNG ƯƠNG
 

            Số: 797/CV.BTĐKT
V/v Giải quyết khiếu nại khen thưởng
           thành tích kháng chiến
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 


                       Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2011

Kính gửi:
Ủy ban nhân tỉnh Bình Định

Ban Thi đua – khen thưởng Trung ương nhận được đơn thư của ông Dương Minh Trị, thanh tra viên Chính Bộ Y tế đề nghị Ban Thi đua – khen thưởng Trung ương xem xét dề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ của cha ông là ông Dương Ngọc Chánh, nguyên quán xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Qua nghiên cứu đơn thư của ông Dương Minh Trị và các văn bản của các cơ quan chức năng, Ban Thi đua – khen thưởng Trung ương có ý kiến như sau:

Theo kê khai, ông Dương Ngọc Chánh sinh năm 1934, nguyên quán xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là cơ sở hoạt động cách mạng tại xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định từ năm 1955, đến năm 1968 ông bị công an viên xã Mỹ đức bắn chết với lý do phản bội, làm chỉ điểm cho địch. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Cầu đã được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; con trai cả là ông Dương Minh Trị, tham gia kháng chiến năm 1972 hiện là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được khen thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; con trai thứ hai là Liệt sĩ Dương Minh Ninh, hy sinh tại chiến trường Campuchia.

nhiếu năm gia đình khiếu nại, ông Dương Ngọc Chánh đã được minh oan, được kết luận “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với với địch chống phá Cách mạng” tại công văn 1973(A35) ngày 14 tháng 02 năm 2000 và số 1028/A11 (A35) ngày 06 tháng 8 năm 2010 của Tổng cục An ninh, Bộ Công an; số 10-CV/BVTW ngày 12 tháng 2 năm 2001 của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và số 7518-CV/BTCTW ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Ban Tổ chức Trung ương.

Mặc dù đã có kết luận minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh của các cơ quan chức năng từ năm 2000 và gia đình đã lập hồ sơ đề nghị khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức của chính quyền địa phương.

Để giải quyết dứt điểm khiếu nại nhiếu năm của thân nhân ông Dương Ngọc Chánh, đồng thời bảo đảm thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định bố trí thời gian làm việc với Đoàn công tác của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương  và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình  Định để có kết luận chính thức về việc khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến của ông Dương Ngọc Chánh.

Nơi nhận
-Như trên;
-Ban Tổ chức Trung ương (để báo cáo);
-Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TU (để báo cáo)
-Tỉnh ủy tỉnh Bình Định (để biết)
-Ban TĐKT tỉnh Bình Định (để biết)
-Lưu VT, CQĐD
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN

Đã ký


Vương Văn Đỉnh


Công văn gởi Công An huyện Phù Mỹ

Ty Công an Nghĩa Bình
CÔNG AN HUYỆN PHÙ MỸ

Số : 25/BC-CA
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Phù mỹ, ngày 21 tháng 11 năm 1980

                     Kính gửi :
TY CÔNG AN NGHĨA BÌNH

BÁO CÁO
việc Ty yêu cầu xác minh đơn của Dương Minh Trị
quê An Giang, Mỹ Đức, Phù Mỹ Nghĩa Bình xin minh oan
 cái chết của cha là Dương ngọc Chánh trong thời kỳ chống Mỹ
========
               Tôi Võ Ngọc Chánh nguyên Trưởng công an Huyện Phù Mỹ, lúc bây giờ (11/1968) tôi là Trưởng đòan công tác của Ban An ninh tỉnh Bình định  về công tác tại Huyện Phù Mỹ, hơn nữa tôi là người địa phương tôi biết khá rỏ về việc này, xin báo cáo để ty nghiên cứu.

                Về lai lịch gia đình Dương ngọc Chánh:

               Cha là Dương Nhứt (chết) , mẹ Võ Thị Thuần (chết) . Trong chín năm kháng chiến không làm gì cho địch và cũng không làm gì cho ta . Riêng Võ thị Thuần thời kỳ Mỹ Diệm có tham gia Phụ nữ liên đới thái độ chính trị không ưa thích Cánh mạng nhưng cũng chưa thấy hành động gì làm hại Cách mạng và chết trong thời kỳ Mỹ Diệm



 
              Về Dương Ngọc Chánh (tức Dương Phẩm) trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chỉ ăn học không làm gì cho  địch và cũng không làm gì cho ta, lấy vợ là Nguyễn Thị Cầu con một gia đình nói chung cha mẹ anh chị em đều tham gia Cách mạng cả, chị Cầu có người em ruột là Nguyễn Thị Kim Dung nay là Tỉnh ủy viên công tác tại phụ nữ tỉnh Nghĩa Bình

              Thời kỳ Mỹ Diệm + Thiệu, Dương Ngọc Chánh làm nghề y tá tư và dạy học, chưa thấy có hành động gì chống đối  Cách mạng, có thời kỳ làm thư ký cho chính quyền xã Mỹ đức của địch và cũng là cơ sở Cách mạng được các đồng chí Tấn TVHU Phù Mỹ nay về hưu ở thôn Bình trị xã Mỹ Quang  và Chị Trương Thị Đổng Đảng viên cũ ở thôn An giang Mỹ đức  sử dụng ( có giấy xác nhận của các đồng chí đó ) khi xã Mỹ Đức giải phóng rộng Dương Ngọc Chánh không còn có điều kiện hợp pháp nữa nên phải sống bất hợp pháp như mọi anh em khác, hàng ngày khi có địch càn đến là phải chạy trốn

              Về lai lịch của Nuyễn Ngưu (Ánh) Phó công an xã Mỹ Đức thời kỳ 1965-1969 và cả liên quan đến cái chết  của Dương Ngọc Chánh



 
             Nguyễn Ngưu (tức Ánh) nay khỏang 53 tuổi, quê An giang, Mỹ đức thời kỳ 9 năm Y không làm gì cho địch và cho ta, thường ăn chơi trai gái rượu chè và hay ăn cắp vặt. Thời kỳ Mỹ Diệm Y không  phải đối tượng địch để ý nên được sống đi lại làm ăn tự do  nên các đồng chí ta  móc nối Ngưu vào cơ sở họat động Cách mạng  bí mật một thời gian  đến năm 1962  do tình hình cơ sở bị vỡ nhiều có một số đồng chí đi thóat ly ra căn cứ trong đó có Nguyễn Ngưu , khi lên đến căn cứ (vùng Cát Sơn) khỏang 10 ngày Y gây lộn với anh em rồi bỏ đi đầu hàng địch tại Phù Cát ở đây khỏan một  tuần lễ lại về sống tự  do hợp pháp ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức. Chúng tôi đang nghi có thể địch cài cấy cho về họat động nhưng đến nay chúng tôi chưa có tài liệu cụ thể .

              Đến năm 1965 địa phương sử dụng Y làm công tác an  thôn sau đó lên làm phó công an xã . Trong bối cảnh xã lúc bây giờ có một số thôn cạnh quốc lộ I địch còn tạm chiếm và thỉnh thỏang nống lấn chốt giữ  một số nơi trong xã , hàng ngày đưa quân từ các nơi  đến càn quét vùng đã giải phóng trong xã, Từ đó việc chỉ đạo của Huyện Công an giao cho đồng chí Xuân phó huyện phụ trách cánh Bắc  Huyện, trong đó có xã Mỹ đức không quán xuyên được công việc của Công an nên Ngưu báo cáo sao nghe vậy không có bước điều tra xác minh của công an huyện

              Từ tình hình đó cộng với bản chất của Nguyễn Ngưu là phần tử không tốt nên Y đã tha hồ bắt bớ giam cầm tra tấn, giết hại nhiều người dân vô tội theo sở thích, theo định kiến  thù hằn, theo sự phán đóan cá nhân, có một số Y định hủ hóa hoặc tống tiền họ không chịu, thế là lập tức hôm sau có hồ sơ người đó làm gián điệp và cho an ninh vũ trang  đến bắt ngay. Hiện nay có một số gia đình của những người bị giết hại hoặc bị tên Ngưu đánh đập hàng ngày họ muốn tìm giết tên Ngưu  để trả thù  nhưng dưới chính quyền Cách mạng họ không dám làm .


48
 
                Về việc chết của Dương Ngọc Chánh khỏang tháng 8 năm 1968 Nguyễn Ngưu tiến hành bắt hàng lọat khỏang 12 người phần lớn là người ở thôn An Giang , Châu Trúc v.v... gọi là tổ chức phản động gián điệp , có trường hợp bắt cả gia đình  như vợ chồng Võ Thử ở thôn An giang đã có công lao đóng góp cho cách mạng , vì  oan ức nên vợ Võ thử đập đầu vào đá tự tử , trong khi bị Nguyễn Ngưu tra tấn còn Võ Thử thì trong khi bị Nguyễn Ngưu tra tấn con Võ thử thì đem xử bắn, gia đình lê Khang bắt cả vợ chổng và con rồi cũng giết hết  Dương Ngọc Chánh củng bị bắt và giết chết trong vụ này

                Thấy bắt một lúc qúa nhiều người và giết cũng qúa nhiều tôi tiến hành thẩm tra  về hồ sơ và nội dung của vụ án , Nguyễn Ngưu báo cáo đây là tổ chức phản động  gián điệp không biết rõ nguồn gốc từ đâu và do tên nào cầm đầu, chúng nó tổ chức theo giây chuyền như Võ Trọng Đạt  tổ chức Dương Ngọc Chánh, Dương Ngọc Chánh đi tổ chức cho Phan Sao, Phan sao đi tổ chức cho Võ Thử  Võ Thử đi tổ chức cho vợ Võ Thử vợ Võ Thử đi tổ chức cho Lê Khang, Lê Khang tổ chức vợ Lê Khang, vợ Lê Khang tổ chức cho con Lê Khang …..

                Về Dương Ngọc Chánh thì Nguyễn Ngưu nói nó có hành động cứ ta chạy càn đâu là nó chạy theo đó mục đích nó nắm tình hình báo cho địch . Ngưu đã bắt lên núi sau nhà ông Nghê  thôn An giang khai thác được mấy hôm rồi bắn chết nói rằng tên Chánh đã trốn chạy nên phải bắn

            Hỏi về hồ sơ và tội trạng  của các đối tượng  thì không có một thứ gì cả



 
           Việc bắt bớ Ngưu không cần xin ý kiến của ai cả cứ muốn bắt ai là Y cùng an ninh Vũ trang  mang súng đến nhà trói dẫn đi . Khi đòan chúng tôi còn ở đây đã chứng kiến hành động này  của Ngưu tiếp tục bắt Nguyễn Giữ , Nguyễn Thị Bảy ở thôn Hòa tân và một số người ở thôn Mỹ Trang đem về Y trực tiếp khai thác đánh đập vô cùng gỉa man và bắt phải nhận tội làm gián điệp và sau đó lần lượt giết chết.

            Ngòai những hành động tự do bắt giết Ngưu còn tiến hành quản thúc , quản chế nhiều người như chị Trương thị Đổng Đảng viên cũ họat động tù tội được đồng chí Tấn giao nhiệm vụ tiếp tục sử dụng Dương Ngọc Chánh thì Ngưu nói chị Đổng có quan hệ họat động với Dương Ngọc Chánh Y đã quản thúc suốt ngày này qua  ngày khác , giam giữ Nguyễn Thị Cầu vợ Dương Ngọc Chánh hàng ngày bỏ đàn con nheo nhóc không được ai đến giúp đở , lúa chín ngòai đồng  bỏ hư không ai gặt, Y nói cần phải trừng trị cả nhà nó .
            Hành động của Nguyễn Ngưu đã làm cho dân chúng vô cùng sợ hải khi thấy chúng tôi về nhiều ngưởi đã tìm gặp phản ảnh tình hình và nhờ bề trên kịp thời ngăn chặn kẻo tên Ngưu nó giết hết dân làng.



 
            Tóm lại cái gọi là tổ chức phản động gián điệp do Ngưu dựng lên và tiến hành bắt giết hàng lọat người là do bịa đặt theo định kiến thù hằn, phán đoán theo cảm tính, hoặc cũng có thể do bản chất y là phần tử không tốt hoặc Y làm theo sự chỉ huy của địch cần phải nghiên cứu. Trong số người bị giết có nhiều người vô tội bị giết oan trong đó có Dương Ngọc Chánh

             Khi đòan chúng tôi thấy rỏ hành động và bản chất của Nguyễn Ngưu nếu để Y tiếp tục làm việc sẽ không có lợi cho Cách mạng  nên chúng tôi đã trực tiếp báo cáo với TV xã ủy và một số đồng chí trong Huyện ủy đang đứng chân ở đây đã nhất trí cần thiết phải thay ngay không cho Ngưu làm việc nữa và sau đó xã đã không dùng ngưu từ năn 1969 đến nay

              Về phần tỉnh sau đợt công tác về chúng tôi đã trực tiếp báo cáo lại tòan bộ tình hình này cho Ban an ninh tỉnh Bình Định.
             
               Báo cáo để Ty rõ nghiên cứu trả lời cho đương sự


TRƯỞNG CÔNG AN HUYỆN PHÙ MỸ
Đã ký
NGỌC CHÁNH





Chuyện về một người mẹ liệt sĩ


Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, mới 14 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Cầu xinh xắn đã được hỏi cưới nhưng thực chất chỉ là đem về làm người ở. Sớm biết điều đó, cô bé Cầu bỏ trốn đến nhà người bà con rồi đi học lên tới lớp 7…
Bà Nguyễn Thị Cầu bên mộ phần con trai.

Vì chiến tranh ác liệt nên lớp học phải giải tán, Nguyễn Thị Cầu trở thành cô giáo trẻ dạy học cho trẻ em nghèo trong vùng. Tại đây cô quen anh Dương Minh Chánh, người bạn học cùng lớp có cùng hoàn cảnh. Do cùng chí hướng cách mạng và phục tài, thương tính nết nhau nên hai người đã nên duyên vợ chồng khi cô 24 tuổi, anh 27 tuổi. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời, hai vợ chồng giáo viên nghèo vừa nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng.

Ngày đó, ở vùng quê nghèo Bình Định, chiến tranh hết sức ác liệt, giặc đàn áp dân ta dữ dội, người dân lúc nào cũng phải sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, dẫu vậy người vợ trẻ vẫn đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, còn chồng tham gia du kích, hoạt động bí mật ngay trong lòng địch. Ban ngày anh dạy học cho trẻ và chữa bệnh cho dân, ban đêm anh xách súng cùng dân quân du kích xã đi đánh đồn giặc. Rồi một đêm giữa năm 1968, anh đi mãi không thấy về. Sáng ra, cô nghe tin chồng bị giết chết khi tay chân bị trói chặt. Người vợ trẻ lao ra mang xác chồng về chôn cất...

Sau khi chồng hy sinh, mới 35 tuổi nhưng cô giáo Nguyễn Thị Cầu ở vậy thay chồng nuôi con ăn học nên người. Vừa nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng, nhiều lần bị địch bắt và tra tấn hết sức dã man đến chết đi sống lại nhưng cô không hề khuất phục. Cô tiếp tục đào hầm bí mật ngay trong nhà để chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ, rồi dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn tiếp lương thực, vũ khí cho bộ đội. Khi con trai khôn lớn, bà động viên con vào chiến khu. Rồi chiến tranh biên giới nổ ra, người mẹ ấy lại động viên người con trai thứ hai tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nghe tin con trai hy sinh, bà mẹ như đứt từng khúc ruột… Là người vợ, người mẹ liệt sĩ kiên cường, lúc nào bà cũng động viên các con sống có ích cho gia đình và xã hội, nhờ vậy mà các con bà đều là những cán bộ, đảng viên gương mẫu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Năm nay đã 83 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Cầu vẫn đi khắp nơi “gõ cửa” các cơ quan chức năng đề nghị phục hồi danh dự cho chồng bà là Dương Minh Chánh - một du kích đã bị kẻ phản động ám sát năm 1968 rồi vu oan. Sau 45 năm đi tìm công lý cho chồng, mới đây Nhà nước đã có quyết định minh oan và khôi phục danh dự cho chồng bà, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương sớm thực hiện chính sách chăm lo cho những người có công với nước như gia đình bà. Thế nhưng, không hiểu sao đến nay chính quyền xã Mỹ Đức vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của cấp trên khiến bà vẫn đứng ngồi không yên. Bà bảo: “Nguyện vọng cuối cùng của đời tôi là phải phục hồi danh dự cho chồng”.


MINH NGỌC

NIỀM VUI SAU HƠN 40 NĂM BỊ HÀM OAN


(Viết theo lời kể của Dương Minh Trị ) 
- Năm 1968, trong lúc quân dân ta và cả Miền Nam phấn khởi trước thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thì gia đình tôi lại mang một cái tang oan ức cùng với bảng lý lịch chính trị đen tối. Đó là sự kiện cha tôi, ông Dương Ngọc Chánh một cơ sở của cách mạng bị một kẻ đội lốt cán bộ cách mạng giết hại và vu oan.



- Vốn là một giáo viên tiểu học ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ, Bình Định). Sau hiệp định Giơnevơ, cũng như bao gia đình khác ở Miền Nam, cha mẹ tôi sống dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm nơm nớp trong lo âu và yêu nước. Sau 1955, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai Miền Nam - Bắc ngày càng mạnh mẽ, việc đàn áp của Mỹ-Diệm cũng ngày càng khốc liệt. Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch, năm 1955 ông Võ Tấn Phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ được phân công về xã Mỹ Đức cùng với ông Dương Đình Khải cán bộ địa phương hoạt động. Thấy cha tôi ( ông Dương Ngọc Chánh ) vừa là giáo viên vừa là y tá tư có uy tín trong nhân dân, nên đã vận động và tổ chức ông làm cơ sở mật của cách mạng và sau đó tổ chức đưa ông ra ứng cử Hội Đồng dân chính của địch. Với chức vụ Thư ký Ban Đại diện xã, đội lốt là người của địch ông đã hết lòng phục vụ cách mạng, đưa nhiều tin tức chủ trương quan trọng và tài liệu mật của địch cho ta đối phó có hiệu quả, tạo điều kiện giúp đỡ cách mạng nhiều thuốc men, lương thực giải quyết khó khăn trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa phương, đầu mối thường xuyên liên lạc bí mật với cha tôi lúc bấy giờ là hai đảng viên Trương Thị Đổng và Nguyễn Tàm, ngày giải phóng Miền Nam các bác, các cô nói trên còn sống và đã xác nhận sự thật như vậy. Cha mẹ tôi rất tự hào về công tác của mình. Đùng một cái ngày 10/07/1968, Nguyễn Ngưu một tên phản bội đầu hàng giặc khéo che đậy thân thế đã chui vào hàng ngũ cách mạng, khi phong trào đấu tranh chống Mỹ ở địa phương lên cao, y đã hoạt động tích cực, 1968 y được kết nạp vào đảng và làm phó chỉ huy an ninh vũ trang của xã, đã dựng lên câu chuyện mờ ám, vu cáo cha tôi là cộng tác viên của địch và bắt giam cha tôi, sau đó dựng lên hiện trường giả nói cha tôi chạy trốn và đã giết chết cha tôi bằng hai phát súng giữa đêm khuya.

         - Lúc đó, tôi mới 13 tuổi cực kỳ đau đớn vì cái tang cha không rõ lý do, chỉ nghe mẹ tôi nói là vì cha tôi biết cái lai lịch của Nguyễn Ngưu, thấy y có chức quyền làm nhiều điều càn quấy, ông can gián đi đến cãi vã và có lần ông đã chửi vào mặt y, nói : Mày là thằng đầu hàng địch, dân không ai tin mày đâu! Nên y thù ghét cha tôi và để bịt đầu mối, Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền cách mạng thủ tiêu cha tôi và gán lên gia đình tôi một vết nhơ chính trị là “nhà có người cộng tác với địch bị cách mạng xử lý” Mẹ tôi vô cùng căm phẩn, nhưng trước tình hình chiến tranh ngày càng khốc liệt, bà đã nuốt sâu cay đắng vào lòng và khuyên nhủ 5 anh em chúng tôi “ cha các con bị giết chết oan! Đảng không có lỗi, cách mạng không có lỗi các con tin ở mẹ, cha con sẽ được Đảng minh oan”  hãy bình tĩnh, lớn lên tham gia chiến đấu vì quê hương đất nước làm tròn nghĩa vụ với cách mạng để không phụ vong linh cha. Vâng lời mẹ, gát lại riêng tư. Năm 1972 tôi tròn 17 tuổi, tình nguyện theo cách mạng, thoát ly vào chiến trường công tác ở Bệnh xá Khu đông thuộc tỉnh Bình Định. Sau Miền Nam hoàn toàn giải phóng về công tác ở Ty Y Tế ( sau là Sở Y Tế ) tỉnh Bình Định. Nhưng nỗi bất hạnh vì bản án oan của cha, mà hậu quả anh em chúng tôi gánh chịu. Năm 1978 tôi học hết cấp 3 muốn theo nghề cha là học bác sỹ cứu người, phục vụ nhân dân được lãnh đạo Ty Y tế đồng ý cho đi thi, nhưng Ban tuyển sinh đã gạch bỏ không cho tôi thi vào đại học chỉ vì cái lý lịch của tôi ở địa phương xác nhận là “con của cộng tác viên làm tay sai cho địch, bị cách mạng xử lý”. Mỗi mùa tuyển sinh hàng năm tôi đều thất vọng là không được đi thi vào đại học, nhìn lại các bạn tôi từ trên “rừng” về được cống hiến cho cuộc đấu tranh gỉai phóng đất nước đều được học đại học, còn đối với bản thân tôi việc đi học đại học là một giất mơ và thật tủi thân... Và dù phấn đấu hết mình vẫn không được kết nạp vào đảng. Em tôi là Dương Minh Toàn học trường trung học Nông nghiệp của tỉnh không được cấp bằng tốt nghiệp và em gái tôi là Dương Thị An giáo viên dạy từ năm 1978 dù phấn đấu thế nào cũng không được kết nạp vào đảng, cũng chỉ vì cái lý lịch gia đình như của tôi. Thậm chí, đau đớn hơn là em trai của tôi Dương Minh Ninh là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Camphuchia được quân đội đưa hài cốt về mai táng ở nghĩa trang liệt sỹ Mỹ Đức, lại bị Nguyễn Ngưu, người giết cha tôi vì tư thù đã đề nghị chính quyền đào mồ lên và đem đổ xác em tôi ra biển vì em tôi là con của “ác ôn”. Đề nghị của y bị sự phản đối quyết liệt của nhân dân. Bởi vì y trong thời gian làm phó ban an ninh xã lộng hành, giết hại một số người lương thiện và hiếp dâm, cướp đoạt tài sản của dân, đã bị chi bộ an ninh xã vạch mặt, đề nghị Đảng ủy xã khai trừ khỏi đảng và cho nghỉ việc, từ sau vụ giết oan cha tôi, với bảng kỷ luật: “Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền và điều kiện cho phép, đã bắt người không có tội, giết người không có bản án, cáo trạng, không mở tòa án nhân dân và cưỡng dâm, cướp của mốt số nạn nhân” Nguyễn Ngưu ngang nhiên nói cha tôi là “ác ôn”, nhưng chính y mới là “ác ôn” thứ thiệt.


-         Đau xót và oan ức, vâng lời mẹ, tôi đã đi tìm các nhân chứng là các bác, các cô công tác cùng thời với cha tôi, những người đã tổ chức và liên lạc với cha tôi trong những năm ông làm cơ sở cho cách mạng, để các bác là những nhân chứng còn sống xác nhận cho tinh thần trung thành với cách mạng và đất nước của cha tôi, cũng như xác nhận những hành động tội lỗi của tên Nguyễn Ngưu trong thời gian y đội lốt phó ban an ninh xã Mỹ Đức, trong đó có bác Võ Tấn nguyên phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ, bác Dương Đình Khải, cô Trương Thị Đổng, chú Nguyễn Tàm là người tổ chức cha tôi làm cơ sở và liên lạc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cha tôi. Thời gian đầu có bác Lê Văn Đáng nguyên là bí thư xã Mỹ Đức thời kỳ 1961, chú Nguyễn Ngọc Phách nguyên là phó bí thư đảng ủy xã Mỹ Đức kiêm bí thư chi bộ an ninh vũ trang xã, người đã trực tiếp bắt tại trận Nguyễn Ngưu đang cưỡng hiếp phụ nữ ở Quang Nghiễm, bác Nguyễn Thanh Bằng bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức 1968, người trực tiếp kiểm điểm Nguyễn Ngưu và thay mặt Đảng ủy xã ký quyết định khai trừ Nguyễn Ngưu khỏi Đảng về tội xử lý người vô cớ và cướp tài sản, cưỡng hiếp công dân. Sau khi có đầy đủ nhân chứng và lời xác nhận, tôi làm đơn xin minh oan cho cha, gởi đến các cấp ủy từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. 


-         Trong khi chờ đợi sự thẩm định, kiểm tra của các cấp. Thì năm 1989, có thể nói đây là giai đoạn bi thảm nhất cuộc đời tôi; một người có hơn 17 năm công tác trong ngành y tế, hết ở chiến khu về đến Sở Y tế tôi không ngừng một ngày cố gắng làm việc để xứng đáng với truyền thống yêu nước của người cha xấu số. Tôi được nhà nước tặng Huy chương chống Mỹ hạng nhất, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng huy chương quyết thắng, Bộ Y tế tặng huy chương về sức khỏe nhân dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy chương vì sự nghiệp Công Đoàn. Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tặng nhiều bằng, giấy khen luôn hoàn thành chức trách của mình, nhưng việc xin đi thi và học đại học vẫn bị một vị lãnh đạo Ban tuyển sinh của tỉnh không cho đi “vì lý lịch cha tôi bị cách mạng xử lý” trong khi đó về phía gia đình mẹ tôi bà Nguyễn Thị Cầu được nhà nước cấp Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3, em trai là liệt sỹ hy sinh chiến trường Campuchia được nhà nước công nhận là liệt sỹ, thật may cho tôi lúc này một số tờ Báo đã lên tiếng đó là báo Tiền phong có loạt bài “ Vụ án 20 năm trước” số 4+5 năm 1989; “Nguyễn Ngưu là ai” số 11 năm 1989” Báo Văn Hóa Nghệ Thuật số17 (267) kỳ 1-9 năm 1989 có bài “Hai bà mẹ một nỗi oan”, báo Nghĩa bình số 1531 ngày 21 tháng 03 năm 1989 có bài “Truy tìm một sự thật” nói lên cái chết oan khuất của cha tôi cần phải được Đảng thẩm tra, kết luận minh oan cho cha tôi, Nhưng sự đời không đơn giản như mình mong muốn tôi đã đi gõ cửa và gặp trực tiếp các vị lãnh đạo của tỉnh thời đó và đều nhận câu trả lời “chưa có chủ trương minh oan của Đảng” tôi tiếp tục chờ đợi trong tuyệt vọng. Nhưng phải nói cho công bằng sau khi dư luận lên tiếng (1989) em trai tôi Dương Minh Toàn được nhận bằng tốt nghiệp, mẹ tôi được hưởng chế độ liệt sỹ và được cấp Huân chương kháng chiến hạng 3, bản thân tôi sau đó năm 1990 mới được đi học đại học sau 15 năm mong muốn và chờ đợi. Đến thế hệ con trai tôi Dương Minh Tân (cháu nội cha tôi) học đại học tại Bình Định, qúa trình học tập và phấn đấu tốt, được học lớp đối tượng Đảng tại trường nhưng không kết nạp đảng được vì “ lý lịch ông nội bị cách mạng xử lý, cha chưa vào đảng” cháu rất buồn, khi tốt nghiệp lọai khá con tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống và tôi lúc bây giờ (cuối năm 2001 Bộ Trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương về làm việc tại Bình Định) tôi gặp và trình bày hòan cảnh và muốn xin về thành phố Hồ Chí Minh làm việc trong ngành y tế), chắc Bộ trưởng đã thấy và chia xẻ hoàn cảnh của tôi, sau đó được Bộ Y tế điều động vào làm việc tại một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tại TP-HCM. Thật may mắn cho tôi, cũng hồ sơ lý lịch khai rỏ ràng trung thực như lúc còn làm việc ở Sở Y tế Bình định, sau hơn 30 năm phấn đấu làm việc nhưng không được xem xét kết nạp đảng, ở đây Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, sau làm việc với các cơ quan của Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh,  được Đảng ủy khối sơ sở Bộ Y tế, trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chi Minh có công văn số 61-CV/ĐUK ngày 25/5/2004 gửi Chi ủy Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh “ Trích kết qủa thẩm tra xác minh số 460-CV/NBTU ngày 29/3/2004 của Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lịch sử chính trị và quan hệ hiện nay của anh Dương Minh Trị hiện là Quyền trưởng phòng Tài chính Kế tóan Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có đọan: “ngày 12 tháng 02 năm 2004 Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy TP Hồ Chí Minh thông báo kết luận của cơ quan chức năng: “kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”sau đó tôi được chuẩn y kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng mới giải tỏa ở cấp tỉnh và cấp thành phố, còn nỗi oan của cha tôi người nằm dưới mồ và vết đen chính trị của gia đình, của lý lịch tôi ở tại địa phương xã nhà vẫn chưa được công khai minh oan và rữa sạch. Nhiều lần tôi đã đề nghị với tỉnh nhưng vẫn trôi qua.


Đến tháng 2 năm 2009 trong buổi họp đồng hương Phù Mỹ để  mừng Đảng, mừng Xuân năm Kỷ Sửu, tôi gặp Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là đồng hương và bạn học với cha tôi từ thời niên thiếu. Sau khi nghe tôi tâm sự về nỗi oan của gia đình mình, Thiếu tướng xúc động và giúp tôi viết một bức thư đạt lý thấu tình, gửi cho Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, đề nghị vì uy tín và niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Trung ương có sự chỉ đạo cho tỉnh Bình Định và huyện Phù Mỹ thông báo kết luận của Tổng cục An ninh và Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trương ương đến tận xã Mỹ Đức và Chi bộ Đảng ở địa phương về ông Dương Ngọc Chánh là cơ sở cách mạng, lúc bị giết hại là một giáo viên của ta ở vùng giải phóng, bị hàm oan chứ không phải là cộng tác viên của địch, để xã thông báo cho nhân dân biết và xóa đi được vết nhơ oan ức cho lý lịch chính trị ông Chánh và gia đình, được hưởng sự trong sạch như mọi gia đình công dân khác. Đồng thời kèm với bức thư của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là đơn đề nghị tha thiết của tôi gởi Ban Bí Thư với nội dung như thư của Thiếu tướng.


Ngày 16-11-2009 công văn số 6861/CV/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương gởi Ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Định, “sau khi nghiên cứu hồ sơ ông Dương Ngọc Chánh được biết ngày 12 tháng 2 năm 2004, Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thông báo việc Tổng Cục An ninh, Bộ Công an có các Công văn số 1973/A11  ngày 14-12-2000: số 1028/A11 ngày 6-8-2001 và số 524/A35 ngày 22-12-2003 “kết luận Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Và chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đàng ủy xã Mỹ Đức, huyện ủy Phù Mỹ (quê của Dương Minh Trị) biết nội dung của kết luận trên. Ngày 09-12-2009, thực hiện công văn số 6861-CV/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định đã có công văn số 3165-CV/BTCTU gởi đến Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân huyện Phù Mỹ; Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức, đề nghị lãnh đạo và thực hiện theo kết luận các cơ quan chức năng về vấn đề lịch sử chính trị của ông Dương Ngọc Chánh mà công văn số 6861 của Ban Tổ Chức Trung ương đã nêu.


Ngày 24-12-2009, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức đã triễn khai thông báo hai công văn của Ban tổ chức Trung ương Đảng và Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định và  phổ biến về chi bộ Đảng thôn An Giang Tây, quê của cha tôi là ông Dương Ngọc Chánh đã sinh ra và bị chết oan .


Thế là sau 42 năm (1968-2010) nổi hàm oan của cha tôi đã được minh oan công khai trước nhân dân, cái bản án mập mờ của kẻ xấu vu cáo cha tôi và lý lịch chính trị của gia đình tôi bị phủ lên lớp màn đen “gia đình có người làm cộng tác viên cho địch bị cách mạng xử lý” đã được xóa bỏ. Những ngày Kỷ Sửu đi, Canh Dần đến là những ngày vui trọng đại đối với gia đình tôi không gì có thể so sánh được. Từ đây, cũng như mọi gia đình khác trên đất nước Việt Nam, gia đình tôi tự hào là một gia đình yêu nước, trong sáng, được hưởng mọi quyền lợi và làm tròn nhiệm vụ của một công dân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng của Đảng và chính quyền các cấp đã thẩm tra, kết luận để giải oan cho cha tôi và gia đình tôi. Nhất là đối với cơ quan Tổng Cục An ninh, Bộ Công An và Ban tổ chức Trung ương Đảng, thật “Đảng ta là Đảng của công bằng, văn minh”. Tôi vô cùng cảm ơn các bác, các chú, các cô cùng thời với cha tôi đã nói lên lời nói trung thực trong bản xác nhận của mình để giúp tôi có cơ sở kêu oan cho cha, cảm ơn Thiếu tướng Phùng Đình Ấm người bạn học tuổi niên thiếu của cha tôi nhân hậu, nghĩa tình và các Báo Tiền phong, Báo Văn Học- Nghệ Thuật, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã góp phần giúp tôi trong cuộc kêu oan vì ánh sáng và công lý trong suốt hơn 40 năm qua của tôi và đã đạt được mục đích cuối cùng.

Viết theo lời kể của Dương Minh Trị Thanh tra viên chính Thanh tra Bộ Y tế, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, con trai của ông Dương Ngọc Chánh người bị hàm oan hơn 40 năm qua

THIẾU TƯỚNG    PHÙNG ĐÌNH ẤM

Thư của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập -  Tự Do -  Hạnh Phúc
Tp HCM, ngày 7   tháng 2   năm 2009

Kính gửi:
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
                                    
           Tôi là Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, Đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, hưu trí tại Cư xá Tự Do, phường 7 quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh xin Báo cáo thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng một việc như sau.

Tôi quê ở xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thưở niên thiếu là học sinh trường Dương Liễu, Phù Mỹ, Bình Định có người bạn học tên Dương Ngọc Chánh. Tuy cùng học chung trường, chung lớp nhưng quê anh ở xã Mỹ Đức cách 3, 4km là bạn thân với nhau, tính tình anh rất nhu mì nhưng thẳng thắn, trung thực. Chúng tôi xa nhau từ ngày Cách mạng Tháng tám và sau đó tôi đi thoát ly gia đình, nhập ngũ tòng quân không gặp nhau lại. Cho đến năm 2008 tình cờ tôi gặp con trai của anh là Dương Minh Trị, là Đảng viên, đang công tác tại Thanh tra Bộ Y tế thường trực phía nam, cơ quan 51 Phạm Ngọc Thạch quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Biết tôi là bạn học với cha anh từ thời niên thiếu, nên đã tâm sự trình bày nỗi oan khiên và những ngày bi thảm của gia đình. Đó là việc cha anh (ông Dương Ngọc Chánh) năm 1968 bị Nguyễn Ngưu cán bộ an ninh xã Mỹ Đức bắt vô cớ, qui tội là mật báo viên cho địch và đã bắn chết một cách oan ức. Từ đó gia đình anh bị liệt kê vào gia đình có người làm tay sai cho địch. Nên mặc dù mẹ anh, bà Nguyễn Thị Cầu vẫn là cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến, trong kháng chiến chống Pháp được bầu là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, trong kháng chiến chống Mỹ được Nhà nước xét tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III. Hiện nay là mẹ liệt sỹ (con trai hy sinh ở chiến trường Campuchia). Bản thân Trị là con cả đã có 4 năm thóat ly tham gia kháng chiến chống Mỹ và hiện nay là Đảng viên nhưng gia đình vẫn mang bản án oan “gia đình có người làm làm tay sai cho địch” như một vết đen nhuộm vào lý lịch chính trị của gia đình trước quê hương, đồng bào nơi chôn nhau cắt rốn. Hơn thế nữa bản thân cháu Trị từ ngày tham gia cách mạng có nhiều phấn đấu nhưng vì bản án lý lịch trên vẫn không được xét kết nạp vào Đảng.

Đó là một thảm họa của gia đình, về thực tế ông Dương Ngọc Chánh ( cha của Dương Minh Trị) không phải là mật báo viên cho địch, nhưng tên Nguyễn Ngưu sát hại với tư cách của một cán bộ an ninh xã chỉ vì sự trả thù, bịt đầu mối vì ông Dương Ngọc Chánh có lần dám chỉ mặt Nguyễn Ngưu bảo “mày là kẻ đầu hàng địch, đừng hóng hách, dân không ai tin mày đâu!”. Lời nói thẳng thắn đó dẫn đến một tội tử hình mà không xét xử, không một bản án, hoàn toàn vô tội.

Để minh oan cho Cha, để thoát khỏi vết đen của bản lý lịch chính trị và vì vận mệnh chính trị của cả gia đình. Dương Minh Trị (con Dương Ngọc Chánh) đã đi tìm chứng cứ, để vừa minh oan cho cha, vừa tố cáo kẻ gây nên tội ác gieo thảm họa cho gia đình mình. Có những nhân chứng thật đáng tin cậy đã minh chứng là Dương Ngọc Chánh vô tội, vẫn trước sau là cơ sở Cách mạng, chứ không phải là mật báo viên cho giặc. Đó là lời xác nhận của ông Dương Đình Khải là thư ký thanh niên tỉnh Bình Định, sau hiệp định Giơnever được bố trí ở lại Miền Nam, hoạt động hợp pháp. Năm 1955 được đồng chí Võ Tấn, phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ giao nhiệm vụ về xã Mỹ Đức và trực tiếp xây dựng ông Dương Ngọc Chánh làm cơ sở bí mật. Ông Chánh đã cung cấp nhiều tình hình, tin tức, lương thực, thuốc men cho cách mạng . Sau thời gian ông Chánh được ông Khải, Tấn bố trí vào làm thư ký hành chính của địch ở xã. Ông hoạt động rất tốt, đã cung cấp cho ta nhiều tin tức, chủ trương quan trọng của địch cho chị Trương Thị Đổng (là đảng viên) và Nguyễn Tàm (đảng viên) để ta đối phó có hiệu quả, ngoài ra còn cung cấp cho cách mạng thuốc men lương thực, quần áo… ( hiện nay ông Khải là cán bộ hưu trí ở tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định)

Các ông Nguyễn Ngọc Phách, Lê Văn Đáng, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Nhung, Trương Thị Đổng và nhiều cán bộ đều là cơ sở ở xã xác nhận ông Dương Ngọc Chánh là một cơ sở tốt tuy có thời gian làm thư ký hành chính cho địch là do cách mạng bố trí cơ sở hợp pháp, chứ không phải làm tay sai cho địch. Từ ngày xã được giải phóng, ta và địch tranh chấp quyết liệt, ông Chánh không sống hợp pháp được, nên mỗi lần có địch càn quét là ông bám theo cán bộ ta tản cư né tránh, chứ tuyệt đối không làm tay sai cho địch (những nhân chứng trên xác nhận bằng văn bản và có chữ ký)

Ngược lại, theo các nhân chứng thì Nguyễn Ngưu cán bộ an ninh xã có một lý lịch “thật kinh tởm”. Theo các bản tường trình của các nhân chứng về Nguyễn Ngưu như sau.

Nguyễn Ngưu (còn có tên Nguyễn Ánh) sinh quán thôn An Giang xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là một thanh niên có lối sống xấu, ăn chơi lêu lỏng. Năm 1961 Nguyễn Ngưu có thoát lên núi một thời gian ngắn, không chịu được gian khổ  Y đào ngũ chạy đi đầu hàng địch, gặp tên Huỳnh Thắng Cảnh là đại diện xã Mỹ Đức (của địch). Sau dó, Ngưu tìm cách về lại địa phương và tiếp tục tham gia cách mạng, Y tỏ ra công tác tích cực nên được phụ trách cán bộ xóm, thôn rồi lên làm an ninh xã. Ngưu được kết nạp vào Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam ngày 8 tháng 2 năm 1968. Nhưng sau đó Y có nhiều hành động sai trái, dựa vào quyền thế an ninh bắt hàng loạt người vô tội trấn áp và bắn chết. Theo tờ trình của đồng chí Nguyễn Ngọc Phách lúc đó là phó bí thư Đảng ủy xã và là bí thư chi bộ lực lượng bán vũ trang viết gửi cho công an tỉnh Nghĩa Bình ngày 5 tháng 1 năm 1989 cho biết, Nguyễn Ngưu đã có 9 trường hợp phạm tội ác như sau.
-         Bắt và bắn chết ông Võ Ngọc Anh ở thôn An Giang  vô tội
-         Bắt ông Quyền đi mua bò ở thôn Vạn Thiết, đưa lên núi Quang Nghiễm và bắn chết, lấy tiền, vu ông Quyền là gián điệp
-         Bắt bà Hay ở thôn Mỹ Trang lấy một radio, rồi thả
-         Bắt ông Thương ở Lộc Thái dẫn lên núi hù dọa, rồi cho về nhà lấy tiền, vàng đem nộp rồi thả
-         Bắt bà Nguyễn Thị Thời ở thôn Hòa Tân, hãm hiếp, lất tiền, bắt gà vịt của bà
-         Bắt các ông Của, ông Cước, ông Hồng ở thôn Quang Nghiễm đem lên núi nhục hình và bắn chết
-         Bắt bà Hồ Thị Niên ở thôn Phú Hòa cưỡng hiếp nhiều lần rồi thả
-         Bắt ông Trần Hò ở thôn Mỹ Trang nhục hình rồi bắn chết
-         Và lần cuối cùng xãy ra ở thôn Quang Nghiễm (xã Mỹ Đức, Phù Mỹ Bình Định). Khi Nguyễn Ngưu bắt phụ nữ hãm hiếp, anh Liên thôn phó phụ trách an ninh chạy đến báo cáo đảng ủy xã là thằng Ngưu đang hãm hiếp và ăn cướp của người ta dưới thôn mình. Lúc đó đồng chí Nguyễn Thanh Bằng bí thư đảng ủy xã bảo đồng chí Nguyễn Ngọc Phách phó bí thư đảng ủy phụ trách lực lượng bán vũ trang xã xuống tận nơi và bắt Nguyễn Ngưu, khám trong người Y có một khẩu súng rulô và mấy chỉ vàng. Bộ mặt thất xấu xa, gian ác của Nguyễn Ngưu được chi bộ lên án. Chi bộ an ninh vũ trang xã Mỹ Đức đã họp bất thường tại xóm Hố Tiểu, thôn An Giang do đồng chí Nguyễn Ngọc Phách bí thư chi bộ chủ trì, đồng chí Chương phó bí thư huyện ủy và đồng chí Cang ủy viên thường vụ huyện ủy Phù Mỹ dự, đảng viên có các đồng chí Lê Công Điều, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Ngưu (hiện nay các đồng chí Điều, Long đã hy sinh, đồng chí Xuân còn sống ở Đắclắc). Cuộc họp đã kiểm điểm hành động của Nguyễn Ngưu và xét thi hành kỷ luật đối với Nguyễn Ngưu. Lý do kỷ luật là: Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền bắt người không có lệnh, giết người không có bản án, không có cáo trạng, phạm tội hiếp dâm phụ nữ và cướp của nhiều người.

Với những tội trạng rỏ ràng, Nguyễn Ngưu đã nhận tội, chi bộ đã đề nghị và Đảng ủy xã Mỹ Đức đã ra quyết định: Khai trừ Nguyễn Ngưu ra khỏi Đảng, cách chức an ninh xã của Nguyễn Ngưu (Quyết định do đồng chí Nguyễn Thanh Bằng bí thư đảng ủy xã Mỹ Đức ký).

Rõ ràng thời kỳ Nguyễn Ngưu làm an ninh đã giết oan một số người vô tội, chi bộ đã nhận thấy và chính trong bản tường trình của đồng chí Võ Ngọc Chánh nguyên là trưởng đoàn công tác an ninh tỉnh Bình Định lúc ấy về công tác tại huyện Phù Mỹ (1968) thấy tình hình an ninh ta bắt giết nhiều người vô tội như thế, đồng chí trực tiếp về xã Mỹ Đức tiến hành thẩm tra hồ sơ và nội dung của các vụ án (trong đó có vụ án Dương Ngọc Chánh) Nguyễn Ngưu chỉ nói đó là tổ chức phản động giây chuyền nhưng không biết rỏ nguồn gốc từ đâu. Về Dương Ngọc Chánh đã bị Nguyễn Ngưu bắn chết rồi thì Ngưu nói “nó có hành động là ta chạy đến đâu (khi giặc càn đến xã) là nó chạy đến đó, mục đích nó nắm tình hình báo cho địch”. Hỏi hồ sơ và tội trạng của các đối tượng không có gì cả. Ngưu bắt người không cần xin ý kiến ai cả, cứ muốn bắt ai thì dùng an ninh võ trang xã mang súng đến nhà bắt trói dẫn đi.

Đồng chí Võ Ngọc Chánh nguyên trưởng công an huyện Phù Mỹ trong báo cáo gửi Ty công an tỉnh Nghĩa Bình ngày 21 tháng 11 năm 1980 với tư cách là một nhân chứng tại chỗ năm 1968 và là một trưởng công an huyện đã báo cáo, xác nhận như vậy. Và qua nhiều nhân chứng khác thì Nguyễn Ngưu là một phần tử xấu, một tên đầu hàng địch, nhưng đã chui vào hàng ngũ an ninh xã tự tung, tự tác một thời ở địa phương. Cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là một nỗi oan. Vì nhân chứng cùng thời ai cũng xác nhận ông Chánh là cơ sở tốt, một giáo viên của ta, vô tội không phải mật báo viên của địch.

Ông Dương Ngọc Chánh bị giết oan, nhưng cái án là mật báo viên cho địch đi theo suốt cuộc đời của gia đình, các con của ông. Nên con ông Chánh là Dương Minh Trị đã khiếu kiện suốt hơn 30 năm trời đến các cấp Huyện, Tỉnh, Trung ương. Cuối cùng theo công văn số :524/A35 của Cục bảo vệ chính trị 1 thuộc Tổng cục an ninh đã phối hợp với công an Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh và kết luận Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng. Trước đó Tổng cục an ninh thuộc Bộ công an cũng đã có các công văn số  1973/A11(A35)  ngày 14 tháng 12 năm 2000 và công văn số 1026/A1(A35) ngày 06 tháng 08 năm 2001 gửi Ban kiểm tra Trung ương Đảng, Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Báo cáo trường hợp cái chết của ông Dương Ngọc Chánh và kết luận như trên. Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương có công văn số : 30-CV/BVTW ngày 12 tháng 02 năm 2004 gửi cho Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng kết luận như trên, Ban bảo vệ chính trị nội bộ thành ủy có thẩm tra xác minh văn bản số 460/CBTU ngày 29 tháng 3 năm 2004 của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy gửi Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế và Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế Thông báo cho Chi ủy Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP-HCM (nơi Dương Minh Trị công tác) theo công văn số 61/CV/ĐUK ngày 25 tháng 5 năm 2004 nói rõ “Không thấy chứng cứ ông Dương Ngọc Chánh làm việc cho địch và kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng, Dương Minh Trị mới được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam

Dương Minh Trị sau khi được Ban bảo vệ chính trị nội bộ Đảng kết luận minh oan cho cha, Trị được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện giờ là một cán bộ của ngành y tế, nhưng đối với thôn xóm, quê hương nỗi oan của cha là Dương Ngọc Chánh chưa được công khai xóa án, vẫn còn một vết đen trong lịch sử chính trị của gia đình vì vậy nguyện vọng thiết tha của gia đình là được Đảng, chính quyền xã nhà công khai với bà con nhân dân trong xã là ông Dương Ngọc Chánh là “Một cơ sở, có công với cách mạng chứ không phải là mật báo viên của địch. Cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là cái chết oan, gia đình ông Chánh được trong sạch về chính trị”

Những việc sai lầm cũ của Nguyễn Ngưu có thể cho qua, sự kiện năm xưa xếp lại. nhưng cái lý lịch chính trị của gia đình phải được công khai trước đồng bào thân tộc.
Dương Minh Trị đã đề nghị với tỉnh Bình Định nhưng kéo dài đến nay vẫn trôi qua. Vì vậy, Dương Minh Trị là người con cả của ông Dương Ngọc Chánh tiếp tục đề nghị lên Trung ương, mong rằng Trung ương có ý kiến chỉ đạo với địa phương để trả lại cho gia đình sự trong trắng, không có người làm tay sai chi địch.

Là một người đồng hương, một người bạn của ông Dương Ngọc Chánh từ thưở niên thiếu, bạn học cùng trường. Thấy nguyện vọng thiết tha của  Dương Minh Trị là chính đáng, tôi xin trình bày cùng thường trực Ban Bí Thư  xét và giải oan cho một gia đình với một yêu cầu khẩn thiết như trên, để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Ý kiến trên của tôi có gì sai sót xin Ban Bí thư miễn thứ.

               Rất cám ơn (kèm theo thư yêu cầu của Dương Minh Trị)



Người đề nghị





Thiếu tướng Phùng Đình Ấm