Thư của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập -  Tự Do -  Hạnh Phúc
Tp HCM, ngày 7   tháng 2   năm 2009

Kính gửi:
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
                                    
           Tôi là Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, Đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, hưu trí tại Cư xá Tự Do, phường 7 quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh xin Báo cáo thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng một việc như sau.

Tôi quê ở xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thưở niên thiếu là học sinh trường Dương Liễu, Phù Mỹ, Bình Định có người bạn học tên Dương Ngọc Chánh. Tuy cùng học chung trường, chung lớp nhưng quê anh ở xã Mỹ Đức cách 3, 4km là bạn thân với nhau, tính tình anh rất nhu mì nhưng thẳng thắn, trung thực. Chúng tôi xa nhau từ ngày Cách mạng Tháng tám và sau đó tôi đi thoát ly gia đình, nhập ngũ tòng quân không gặp nhau lại. Cho đến năm 2008 tình cờ tôi gặp con trai của anh là Dương Minh Trị, là Đảng viên, đang công tác tại Thanh tra Bộ Y tế thường trực phía nam, cơ quan 51 Phạm Ngọc Thạch quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Biết tôi là bạn học với cha anh từ thời niên thiếu, nên đã tâm sự trình bày nỗi oan khiên và những ngày bi thảm của gia đình. Đó là việc cha anh (ông Dương Ngọc Chánh) năm 1968 bị Nguyễn Ngưu cán bộ an ninh xã Mỹ Đức bắt vô cớ, qui tội là mật báo viên cho địch và đã bắn chết một cách oan ức. Từ đó gia đình anh bị liệt kê vào gia đình có người làm tay sai cho địch. Nên mặc dù mẹ anh, bà Nguyễn Thị Cầu vẫn là cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến, trong kháng chiến chống Pháp được bầu là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, trong kháng chiến chống Mỹ được Nhà nước xét tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III. Hiện nay là mẹ liệt sỹ (con trai hy sinh ở chiến trường Campuchia). Bản thân Trị là con cả đã có 4 năm thóat ly tham gia kháng chiến chống Mỹ và hiện nay là Đảng viên nhưng gia đình vẫn mang bản án oan “gia đình có người làm làm tay sai cho địch” như một vết đen nhuộm vào lý lịch chính trị của gia đình trước quê hương, đồng bào nơi chôn nhau cắt rốn. Hơn thế nữa bản thân cháu Trị từ ngày tham gia cách mạng có nhiều phấn đấu nhưng vì bản án lý lịch trên vẫn không được xét kết nạp vào Đảng.

Đó là một thảm họa của gia đình, về thực tế ông Dương Ngọc Chánh ( cha của Dương Minh Trị) không phải là mật báo viên cho địch, nhưng tên Nguyễn Ngưu sát hại với tư cách của một cán bộ an ninh xã chỉ vì sự trả thù, bịt đầu mối vì ông Dương Ngọc Chánh có lần dám chỉ mặt Nguyễn Ngưu bảo “mày là kẻ đầu hàng địch, đừng hóng hách, dân không ai tin mày đâu!”. Lời nói thẳng thắn đó dẫn đến một tội tử hình mà không xét xử, không một bản án, hoàn toàn vô tội.

Để minh oan cho Cha, để thoát khỏi vết đen của bản lý lịch chính trị và vì vận mệnh chính trị của cả gia đình. Dương Minh Trị (con Dương Ngọc Chánh) đã đi tìm chứng cứ, để vừa minh oan cho cha, vừa tố cáo kẻ gây nên tội ác gieo thảm họa cho gia đình mình. Có những nhân chứng thật đáng tin cậy đã minh chứng là Dương Ngọc Chánh vô tội, vẫn trước sau là cơ sở Cách mạng, chứ không phải là mật báo viên cho giặc. Đó là lời xác nhận của ông Dương Đình Khải là thư ký thanh niên tỉnh Bình Định, sau hiệp định Giơnever được bố trí ở lại Miền Nam, hoạt động hợp pháp. Năm 1955 được đồng chí Võ Tấn, phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ giao nhiệm vụ về xã Mỹ Đức và trực tiếp xây dựng ông Dương Ngọc Chánh làm cơ sở bí mật. Ông Chánh đã cung cấp nhiều tình hình, tin tức, lương thực, thuốc men cho cách mạng . Sau thời gian ông Chánh được ông Khải, Tấn bố trí vào làm thư ký hành chính của địch ở xã. Ông hoạt động rất tốt, đã cung cấp cho ta nhiều tin tức, chủ trương quan trọng của địch cho chị Trương Thị Đổng (là đảng viên) và Nguyễn Tàm (đảng viên) để ta đối phó có hiệu quả, ngoài ra còn cung cấp cho cách mạng thuốc men lương thực, quần áo… ( hiện nay ông Khải là cán bộ hưu trí ở tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định)

Các ông Nguyễn Ngọc Phách, Lê Văn Đáng, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Nhung, Trương Thị Đổng và nhiều cán bộ đều là cơ sở ở xã xác nhận ông Dương Ngọc Chánh là một cơ sở tốt tuy có thời gian làm thư ký hành chính cho địch là do cách mạng bố trí cơ sở hợp pháp, chứ không phải làm tay sai cho địch. Từ ngày xã được giải phóng, ta và địch tranh chấp quyết liệt, ông Chánh không sống hợp pháp được, nên mỗi lần có địch càn quét là ông bám theo cán bộ ta tản cư né tránh, chứ tuyệt đối không làm tay sai cho địch (những nhân chứng trên xác nhận bằng văn bản và có chữ ký)

Ngược lại, theo các nhân chứng thì Nguyễn Ngưu cán bộ an ninh xã có một lý lịch “thật kinh tởm”. Theo các bản tường trình của các nhân chứng về Nguyễn Ngưu như sau.

Nguyễn Ngưu (còn có tên Nguyễn Ánh) sinh quán thôn An Giang xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là một thanh niên có lối sống xấu, ăn chơi lêu lỏng. Năm 1961 Nguyễn Ngưu có thoát lên núi một thời gian ngắn, không chịu được gian khổ  Y đào ngũ chạy đi đầu hàng địch, gặp tên Huỳnh Thắng Cảnh là đại diện xã Mỹ Đức (của địch). Sau dó, Ngưu tìm cách về lại địa phương và tiếp tục tham gia cách mạng, Y tỏ ra công tác tích cực nên được phụ trách cán bộ xóm, thôn rồi lên làm an ninh xã. Ngưu được kết nạp vào Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam ngày 8 tháng 2 năm 1968. Nhưng sau đó Y có nhiều hành động sai trái, dựa vào quyền thế an ninh bắt hàng loạt người vô tội trấn áp và bắn chết. Theo tờ trình của đồng chí Nguyễn Ngọc Phách lúc đó là phó bí thư Đảng ủy xã và là bí thư chi bộ lực lượng bán vũ trang viết gửi cho công an tỉnh Nghĩa Bình ngày 5 tháng 1 năm 1989 cho biết, Nguyễn Ngưu đã có 9 trường hợp phạm tội ác như sau.
-         Bắt và bắn chết ông Võ Ngọc Anh ở thôn An Giang  vô tội
-         Bắt ông Quyền đi mua bò ở thôn Vạn Thiết, đưa lên núi Quang Nghiễm và bắn chết, lấy tiền, vu ông Quyền là gián điệp
-         Bắt bà Hay ở thôn Mỹ Trang lấy một radio, rồi thả
-         Bắt ông Thương ở Lộc Thái dẫn lên núi hù dọa, rồi cho về nhà lấy tiền, vàng đem nộp rồi thả
-         Bắt bà Nguyễn Thị Thời ở thôn Hòa Tân, hãm hiếp, lất tiền, bắt gà vịt của bà
-         Bắt các ông Của, ông Cước, ông Hồng ở thôn Quang Nghiễm đem lên núi nhục hình và bắn chết
-         Bắt bà Hồ Thị Niên ở thôn Phú Hòa cưỡng hiếp nhiều lần rồi thả
-         Bắt ông Trần Hò ở thôn Mỹ Trang nhục hình rồi bắn chết
-         Và lần cuối cùng xãy ra ở thôn Quang Nghiễm (xã Mỹ Đức, Phù Mỹ Bình Định). Khi Nguyễn Ngưu bắt phụ nữ hãm hiếp, anh Liên thôn phó phụ trách an ninh chạy đến báo cáo đảng ủy xã là thằng Ngưu đang hãm hiếp và ăn cướp của người ta dưới thôn mình. Lúc đó đồng chí Nguyễn Thanh Bằng bí thư đảng ủy xã bảo đồng chí Nguyễn Ngọc Phách phó bí thư đảng ủy phụ trách lực lượng bán vũ trang xã xuống tận nơi và bắt Nguyễn Ngưu, khám trong người Y có một khẩu súng rulô và mấy chỉ vàng. Bộ mặt thất xấu xa, gian ác của Nguyễn Ngưu được chi bộ lên án. Chi bộ an ninh vũ trang xã Mỹ Đức đã họp bất thường tại xóm Hố Tiểu, thôn An Giang do đồng chí Nguyễn Ngọc Phách bí thư chi bộ chủ trì, đồng chí Chương phó bí thư huyện ủy và đồng chí Cang ủy viên thường vụ huyện ủy Phù Mỹ dự, đảng viên có các đồng chí Lê Công Điều, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Ngưu (hiện nay các đồng chí Điều, Long đã hy sinh, đồng chí Xuân còn sống ở Đắclắc). Cuộc họp đã kiểm điểm hành động của Nguyễn Ngưu và xét thi hành kỷ luật đối với Nguyễn Ngưu. Lý do kỷ luật là: Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền bắt người không có lệnh, giết người không có bản án, không có cáo trạng, phạm tội hiếp dâm phụ nữ và cướp của nhiều người.

Với những tội trạng rỏ ràng, Nguyễn Ngưu đã nhận tội, chi bộ đã đề nghị và Đảng ủy xã Mỹ Đức đã ra quyết định: Khai trừ Nguyễn Ngưu ra khỏi Đảng, cách chức an ninh xã của Nguyễn Ngưu (Quyết định do đồng chí Nguyễn Thanh Bằng bí thư đảng ủy xã Mỹ Đức ký).

Rõ ràng thời kỳ Nguyễn Ngưu làm an ninh đã giết oan một số người vô tội, chi bộ đã nhận thấy và chính trong bản tường trình của đồng chí Võ Ngọc Chánh nguyên là trưởng đoàn công tác an ninh tỉnh Bình Định lúc ấy về công tác tại huyện Phù Mỹ (1968) thấy tình hình an ninh ta bắt giết nhiều người vô tội như thế, đồng chí trực tiếp về xã Mỹ Đức tiến hành thẩm tra hồ sơ và nội dung của các vụ án (trong đó có vụ án Dương Ngọc Chánh) Nguyễn Ngưu chỉ nói đó là tổ chức phản động giây chuyền nhưng không biết rỏ nguồn gốc từ đâu. Về Dương Ngọc Chánh đã bị Nguyễn Ngưu bắn chết rồi thì Ngưu nói “nó có hành động là ta chạy đến đâu (khi giặc càn đến xã) là nó chạy đến đó, mục đích nó nắm tình hình báo cho địch”. Hỏi hồ sơ và tội trạng của các đối tượng không có gì cả. Ngưu bắt người không cần xin ý kiến ai cả, cứ muốn bắt ai thì dùng an ninh võ trang xã mang súng đến nhà bắt trói dẫn đi.

Đồng chí Võ Ngọc Chánh nguyên trưởng công an huyện Phù Mỹ trong báo cáo gửi Ty công an tỉnh Nghĩa Bình ngày 21 tháng 11 năm 1980 với tư cách là một nhân chứng tại chỗ năm 1968 và là một trưởng công an huyện đã báo cáo, xác nhận như vậy. Và qua nhiều nhân chứng khác thì Nguyễn Ngưu là một phần tử xấu, một tên đầu hàng địch, nhưng đã chui vào hàng ngũ an ninh xã tự tung, tự tác một thời ở địa phương. Cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là một nỗi oan. Vì nhân chứng cùng thời ai cũng xác nhận ông Chánh là cơ sở tốt, một giáo viên của ta, vô tội không phải mật báo viên của địch.

Ông Dương Ngọc Chánh bị giết oan, nhưng cái án là mật báo viên cho địch đi theo suốt cuộc đời của gia đình, các con của ông. Nên con ông Chánh là Dương Minh Trị đã khiếu kiện suốt hơn 30 năm trời đến các cấp Huyện, Tỉnh, Trung ương. Cuối cùng theo công văn số :524/A35 của Cục bảo vệ chính trị 1 thuộc Tổng cục an ninh đã phối hợp với công an Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh và kết luận Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng. Trước đó Tổng cục an ninh thuộc Bộ công an cũng đã có các công văn số  1973/A11(A35)  ngày 14 tháng 12 năm 2000 và công văn số 1026/A1(A35) ngày 06 tháng 08 năm 2001 gửi Ban kiểm tra Trung ương Đảng, Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Báo cáo trường hợp cái chết của ông Dương Ngọc Chánh và kết luận như trên. Ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương có công văn số : 30-CV/BVTW ngày 12 tháng 02 năm 2004 gửi cho Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng kết luận như trên, Ban bảo vệ chính trị nội bộ thành ủy có thẩm tra xác minh văn bản số 460/CBTU ngày 29 tháng 3 năm 2004 của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy gửi Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế và Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế Thông báo cho Chi ủy Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP-HCM (nơi Dương Minh Trị công tác) theo công văn số 61/CV/ĐUK ngày 25 tháng 5 năm 2004 nói rõ “Không thấy chứng cứ ông Dương Ngọc Chánh làm việc cho địch và kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng, Dương Minh Trị mới được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam

Dương Minh Trị sau khi được Ban bảo vệ chính trị nội bộ Đảng kết luận minh oan cho cha, Trị được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện giờ là một cán bộ của ngành y tế, nhưng đối với thôn xóm, quê hương nỗi oan của cha là Dương Ngọc Chánh chưa được công khai xóa án, vẫn còn một vết đen trong lịch sử chính trị của gia đình vì vậy nguyện vọng thiết tha của gia đình là được Đảng, chính quyền xã nhà công khai với bà con nhân dân trong xã là ông Dương Ngọc Chánh là “Một cơ sở, có công với cách mạng chứ không phải là mật báo viên của địch. Cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là cái chết oan, gia đình ông Chánh được trong sạch về chính trị”

Những việc sai lầm cũ của Nguyễn Ngưu có thể cho qua, sự kiện năm xưa xếp lại. nhưng cái lý lịch chính trị của gia đình phải được công khai trước đồng bào thân tộc.
Dương Minh Trị đã đề nghị với tỉnh Bình Định nhưng kéo dài đến nay vẫn trôi qua. Vì vậy, Dương Minh Trị là người con cả của ông Dương Ngọc Chánh tiếp tục đề nghị lên Trung ương, mong rằng Trung ương có ý kiến chỉ đạo với địa phương để trả lại cho gia đình sự trong trắng, không có người làm tay sai chi địch.

Là một người đồng hương, một người bạn của ông Dương Ngọc Chánh từ thưở niên thiếu, bạn học cùng trường. Thấy nguyện vọng thiết tha của  Dương Minh Trị là chính đáng, tôi xin trình bày cùng thường trực Ban Bí Thư  xét và giải oan cho một gia đình với một yêu cầu khẩn thiết như trên, để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Ý kiến trên của tôi có gì sai sót xin Ban Bí thư miễn thứ.

               Rất cám ơn (kèm theo thư yêu cầu của Dương Minh Trị)



Người đề nghị





Thiếu tướng Phùng Đình Ấm














No Comment