Ông Vũ Mộng Thúy, nhân chứng, sẵn sàng đối chất để minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh
Liên quan đến vụ gia đình ông Dương Ngọc Chánh (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) kêu oan cho chồng, cha nhưng suốt 50 năm vẫn chưa được minh oan (Báo Người Lao Động ngày 10-7 đã thông tin), theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Đảng ủy xã Mỹ Đức không xác nhận hồ sơ khen thưởng cho ông Chánh là do có ý kiến không đồng thuận.
Năm 2010, dù đã có kết luận của Ban Tổ chức trung ương là ông Dương Ngọc Chánh không có tội, ông Phan Văn Năm (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, kiêm trưởng Ban Tổ chức và Trưởng Ban An ninh huyện Phù Mỹ, giai đoạn từ năm 1963-1969, người ra lệnh bắn ông Chánh) vẫn gửi đơn đến các cơ quan khẳng định ông Chánh có tội. Theo đó, từ năm 1965 đến năm 1966, ông Chánh cùng cảnh sát dã chiến khui hầm bí mật tại thôn An Giang, bắt và thủ tiêu ông Võ Trưởng, Phó Bí thư huyện đoàn Phù Mỹ; giao nhiệm vụ cho đàn em dùng lựu đạn, tập kích vào trung đội du kích xã làm chết 3 người, 2 người bị thương. Ngoài ra, ông Chánh báo cho địch dùng máy bay B52 tập kích vào trạm xá của huyện làm chết và bị thương nhiều người.
Văn bản của Ban Tổ chức Trung ương trả lời Văn phòng Trung ương Đảng và ông Phan Văn Năm khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không có tội
Trả lời đơn ông Năm, ngày 12-4-2010, Ban Tổ chức trung ương có công văn với nội dung lịch sử chính trị của ông Chánh đã được Tổng Cục 1 (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh làm rõ. Theo đó, ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng. Qua nghiên cứu đơn thư của ông Năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng không phát hiện thêm các tình tiết mới liên quan đến lịch sử chính trị ông Chánh. Tuy nhiên đến năm 2016, ông Năm vẫn tiếp tục có đơn gửi các ban, ngành địa phương và trung ương với nội dung như cũ.
Cũng liên quan đến nội dung phản ánh của ông Năm, ông Vũ Mộng Thúy, sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Đức và là du kích xã thời điểm ông Chánh bị bắn chết, khẳng định: "Nội dung đơn của ông Năm hoàn toàn không đúng sự thật". Theo ông Thúy, nếu đi cùng cảnh sát dã chiến chỉ điểm cho địch, vì sao ông Chánh không bỏ trốn mà vẫn ở địa phương để phải bị giết? Về vụ ông Võ Trưởng, tháng 2-1968, ông Trưởng chết trong nhà lao Phù Mỹ cùng với 74 người khác, không phải chết trong giai đoạn từ năm 1965-1966 như ông Năm phản ánh. Về nội dung "giao nhiệm vụ cho đàn em dùng lựu đạn tập kích vào trung đội du kích xã", ông Thúy cho biết việc ông Năm nói ông Lê Văn Có chết vào thời điểm 1965-1966 là không trùng khớp với Bằng Tổ quốc ghi công mà nhà nước trao tặng cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Có (liệt sĩ Lê Văn Có hy sinh ngày 11-4-1969), còn người có tên đồng chí Duyên là Nguyễn Thị Khánh (tên thường gọi là Duyên), hy sinh ngày 19-11-1974. Riêng nội dung ông Chánh báo cho máy bay B52 tập kích, ông Thúy cho rằng ông Chánh không đủ trình độ để chấm tọa độ cho máy bay địch ném bom. "Tôi sẵn sàng đối chất với ông Phan Văn Năm để làm rõ vụ việc" - ông Thúy nhấn mạnh.
Theo Trường Hoàng - Báo Người Lao Động
No Comment