P2. NHỮNG “HÒN ĐÁ TẢNG” MANG DANH CÁN BỘ (Đăng trên Fan page Nhà báo Quang Vinh và những người bạn) Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021 No Comment

 Tất cả văn bản của Bộ Công an, ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương đều đến địa phương đầy đủ. Kỳ lạ thay, chính quyền địa phương vẫn bất chấp, tiếp tục gây khó khăn cho những người còn sống: chứng nhận lý lịch “là con của kẻ phản động” để không cho các con ông Chánh được làm việc tại cơ quan nhà nước, ngay cả hài cốt Liệt sỹ Dương Minh Ninh cũng không cho mang về an táng tại quê nhà. Một số đồng chí đồng đội cũ của ông Dương Ngọc Chánh còn bị xem xét kỷ luật khi đã ký vào các giấy tờ kêu oan cho ông.

Các phóng viên truyền hình CAND tiếp tục đến làm việc với Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Bình Định. Lãnh đạo Ban đã trình bày đầy đủ văn bản hướng dẫn địa phương cấp huyện, cấp xã để làm hồ sơ truy phong danh hiệu cho ông Dương Ngọc Chánh, nhưng “cấp cơ sở không chịu làm thì cấp tỉnh cũng chịu thua”.

Trở lại thôn An giang, xã Mỹ Đức huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định- là quê hương của ông Dương Ngọc Chánh và cũng là cấp cơ sở đầu tiên có thể xác nhận minh oan hay không cho ông Chánh. Tổ phóng viên nhận được “bài lên lớp” của ông Bí thư Đảng ủy xã, ông ta cho rằng các cấp Trung ương không hiểu gì về thực tế cơ sở và vẫn khẳng định ông Dương Ngọc Chánh có tội. Hai căn cứ để khẳng định “cái tội” đó của ông Chánh là hành động “tuyên án tử hình” của ông Phó Ban an ninh xã Nguyễn Ngưu và ông ý kiến của ông Phan Văn Năm - Thường vụ Huyện ủy, phụ trách địa bàn xã Mỹ Đức giai đoạn đó.

Trước hết, nói về nhân vật có tên là Nguyễn Ngưu (nay đã chết): Trong báo cáo gửi Ty Công an Nghĩa Bình năm 1968, ông Võ Ngọc Chánh - Trưởng Công an huyện Phù Mỹ kiêm Trưởng đoàn công tác của Ban An Ninh tỉnh Nghĩa Bình tại huyện Phú Mỹ giai đoạn 1967 - 1968 đã viết: “Nguyễn Ngưu vốn là một tay ăn chơi rượu chè. Giai đoạn Mỹ - Diệm do Nguyễn Ngưu không phải là đối tượng bị địch để ý nên đã được một số cơ sở của ta móc nối và đến năm 1965 cho làm an ninh thôn rồi lên Phó Ban an ninh xã Mỹ Đức”. 

Thời điểm này do địa bàn cách trở vì Phù Mỹ là vùng chồng lấn cả giải phóng lẫn tạm chiếm nên công tác an ninh ở xã Mỹ Đức bị lơ là, Nguyễn Ngưu đã bắt và giết hại khoảng 12 người ở thôn An giang, trong đó có ông Dương Ngọc Chánh với lý do họ là “phần tử phản động”. Khi cấp trên hỏi về bằng chứng, tài liệu phản động của họ thì Nguyễn Ngưu không đưa ra được. Nhận thấy vấn đề nguy hiểm nên Huyện ủy Phù Mỹ đã thay không cho Nguyễn Ngưu làm việc từ năm 1969. Hiện nay ở xã Mỹ Đức vẫn còn nhiều gia đình có những oan khuất do Nguyễn Ngưu gây ra.

Tiếp tục làm rõ thêm về nhân vật Nguyễn Ngưu này, bà Nguyễn Thị Nhung - cán bộ phụ nữ xã Mỹ Đức giai đoạn đó, là đầu mối tổ chức bí mật của ta đã xác nhận việc ông Chánh bị giết oan là do mâu thuẫn với Nguyễn Ngưu trong việc mua một khu đất tại địa phương chứ không phải là gián điệp hay phản động gì như Nguyễn Ngưu kết án.

Nhân vật thư hai có vai trò quan trọng tại thời điểm đó, cũng là “hòn đá tảng” lớn nhất hiện nay là ông Phan Văn Năm, nguyên Thường vụ Huyện ủy Phú Mỹ - phụ trách khu vực xã Mỹ Đức. Gặp phóng viên, ông Năm khẳng định ông Dương Ngọc Chánh là đảng viên Quốc dân đảng, là tay sai cho giặc hoạt động chống phá Cách mạng miền Nam, gây bao tội ác cho đồng chí đồng đội. Và việc  kết án ông Chánh có văn bản, hồ sơ luận tội rõ ràng. Thế nhưng khi được hỏi về hồ sơ lưu thì ông Năm lại cho rằng thời điểm đó chiến tranh chỉ truyền miệng, không có bất cứ giấy tờ gì. Tất cả đều gói gọn trong các chữ “bí mật” và “hoạt động đơn tuyến”.

Đó là bức họa về chân dung các “hòn đá tảng” của địa phương xã Mỹ Đức đã có “sức mạnh vô song” chặn mọi con đường đòi lại danh dự cho chồng, cha của vợ con ông Dương Ngọc Chánh; vô hiệu hóa mọi xác nhận, văn bản chỉ đạo của Trung ương.

Không chấp nhận “quay mặt làm ngơ” trước sự oan khuất của một con người, một gia đình, một dòng họ…Truyền hình CAND tiếp tục bám trụ tại xã và gặp được nhiều nhân chứng khác: bà Trương Thị Đổng, nguyên phụ trách công tác phụ nữ xã Mỹ Đức, là cấp trên của ông Dương Ngọc Chánh trong tổ chức bí mật tại cơ sở. Bà Đổng đã hơn 90 tuổi, dù không đọc được chữ nhưng vẫn một mực nhờ con cháu viết hộ xác nhận minh oan cho ông Chánh: “Ông Dương Ngọc Chánh từ năm 1965 - 1968 là cơ sở cách mạng do tôi xây dựng, nhiệm vụ nào của tổ chức giao cho ông cũng đều hoàn thành”, rồi bà điểm chỉ bằng máu để chứng mình lời mình nói.

Một số nhân chứng đã rất cao tuổi đã chủ động gặp phóng viên để phát biểu rằng ông Chánh có vỏ bọc tốt là giáo viên và thầy thuốc nên có thể hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Chính ông đã cứu thoát một số chỉ huy thoát khỏi vòng vây của địch và kịp thời cung cấp thuốc men cứu chữa cho du kích và dân quân xã Mỹ Đức trong giai đoạn chiến đấu ác liệt với quân địch.

Một số Đảng viên cao tuổi tại địa phương đã chấp nhận bị cấp ủy đảng cơ sở kỷ luật để khẳng định rằng ông Chánh gị giết oan và ông Chánh không làm tay sai cho địch, ông Chánh là cơ sở cách mạng của ta. Thiếu tướng Phùng Đình Ấm - nguyên Phó đoàn B90 Bộ đội Trường Sơn gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương vào năm 2009, có đoạn: “ông Dương Ngọc Chánh là một cơ sở, có công với cách mạng chứ không phải là mật báo viên cho địch. Cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là cái chết oan, gia đình ông Chánh trong sạch về chính trị”.

ông Dương Minh Trị - tìm và gặp lại những Đảng viên cao tuổi tại địa phương

Khi viết lại câu chuyện làm chương trình này, chúng tôi rất đau xót khi bà Nguyễn Thị Cầu, vợ ông Dương Ngọc Chánh đã ra đi, không thể chờ thêm sau gần ½ thế kỷ chưa một ngày nguôi ngoai về cái chết oan ức của chồng mình. Anh con trai cả Dương Minh Trị điện thoại cho tôi: “Mẹ anh ra đi thanh thản lắm, buổi chiều bà còn đòi các cháu mở lại cái đĩa hình của ANTV làm về ba thế rồi ra đi, trong lòng bàn tay vẫn là đĩa hình của các em” 

Tôi nghẹn ngào nói với anh Trị: “Thôi, anh đừng an ủi động viên ANTV nữa, mẹ và gia đình anh chưa khi nào được thanh thản vì vẫn còn những con người mang danh “cán bộ” nhưng chưa bao giờ hiểu nỗi đau của người khác” ./.

No Comment