P1. NHỮNG BỨC THƯ TUYỆT VỌNG (Đăng trên Fan Page Nhà báo Quang Vinh và những người bạn) Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021 No Comment

 NỬA THẾ KỶ OAN KHUẤT

Một cái chết đầy khuất tất của người cha từ gần nửa thế kỷ trước kéo theo hàng loạt hệ lụy cho những người con trong giai đoạn đất nước mới thống nhất. Hành trình đi tìm công lý cho người cha kéo dài suốt gần 50 năm; đến nay dù đã có kết luận minh oan từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền Trung ương nhưng vẫn không được các cấp chính quyền địa phương công nhận. Phóng viên truyền hình Công an nhân dân đã có quá trình thu thập tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng để có cái nhìn khách quan nhất về cuộc đời của một người đàn ông vừa được coi là có công với cách mạng, vừa bị coi là làm gián điệp cho địch.

P1. NHỮNG BỨC THƯ TUYỆT VỌNG

“Kính thưa các anh, các chị!

Tôi tên là  Dương Minh Toàn, sinh ngày 10/10/1968 ở thôn An giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1983 tôi thi đậu vào trường trung học nông nghiệp tỉnh Nghĩa Bình, qua 3 năm học tôi đã tốt nghiệp khoa kế toán và đã được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thế nhưng theo thông báo của Ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh thì cái chết của ba tôi là Dương Ngọc Chánh chưa được xác minh rõ ràng. Tôi vẫn là con của một tên phản động bị cách mạng trừng trị nên không được cấp bằng tốt nghiệp và không được nhận công tác.

Thưa các anh, các chị! Ngày ba tôi chết, mẹ tôi mới có bầu tôi chưa đầy 2 tháng. Tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mẹ tôi tham gia cách mạng đã từng bị giặc bắt đánh đập, tù đầy. Đã bao lần tôi hỏi mẹ tôi về ba tôi, mẹ tôi đều khẳng định “Ba con là cán bộ cách mạng bị kẻ xấu giết hại. Con hãy tin rằng Đảng sẽ minh oan cho Ba con”. Tin lời mẹ tôi, anh cả tôi là Dương Minh Trị đã vào chiến khu hoạt động từ năm 1972 khi mới 16 tuổi, anh thứ 3 là Dương Minh Ninh đã vào bộ đội năm 1980 và hy sinh ở Campuchia năm 1981. Đã bao nhiêu lần chúng tôi gởi đơn lên huyện, lên tỉnh cầu mong được điều tra, xem xét làm rõ về cái chết của ba tôi, vậy mà tất cả vẫn chìm trong im lặng. Cái chết của ba tôi đè nặng lên đầu chúng tôi …Cái chết ấy như một cánh cửa đang khép chặt cửa ngõ vào đời của chúng tôi….”

Câu chuyện bắt đầu từ đêm rằm tháng 7/1968, khi cả thôn An Giang xã Mỹ Đức huyện Phù Mỹ tĩnh Nghĩa Bình cũ (nay là tỉnh Bình Định) đang chìm trong giấc ngủ thì bị khuấy động bởi tiếng ngời la ó, hò đuổi nhau và kết thúc bằng 2 phát súng chua chát xé tan màn đêm….

Sáng hôm sau, cả xã Mỹ Đức xôn xao về chuyện đêm qua ông giáo làng Dương Ngọc Chánh ở thôn An Giang bị An ninh xã bắn chết. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra vì ông Chánh là thầy giáo và cũng là thầy thuốc cho bà con trong xã, không gây thù oán gì ai. Thế rồi tất cả sững sờ khi nhận thông báo từ ông Nguyễn Ngưu, Phó Ban An ninh xã Mỹ Đức: “Tên Dương Ngọc Chánh tức Phẩm là một tên phản động điệp báo cho Mỹ Ngụy nên đã bị cách mạng trừng trị…”.

Sau khi chồng mất, một nách 5 đứa con lại phải sống giữa 2 luồng nghi ngờ của cả phía TA và phía ĐỊCH. Phía ta thì coi gia đình bà là phản cách mạng cần phải quản lý chặt nên ban ngày gọi lên núi học tập cải tạo. Còn phía địch lại coi là gia đình Cộng sản cần phải diệt nên ban đêm bị bắt ngủ rìa ngoài làng để nếu bị bộ đội, du kích tấn công thì sẽ là bia đỡ đạn đầu tiên. 

Gần 8 năm trời (từ 1968 đến 1975), mấy mẹ con bà Nguyễn Thị Cầu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) sống trong sự ghẻ lạnh hận thù của cả 2 phía ta và địch cho đến ngày giải phóng.

Từ sau những ngày thống nhất đất nước, mấy người con của ông Dương Ngọc Chánh là Dương Minh Trị và Dương Minh Toàn đã lặn lội gõ cửa tất cả các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương để đi tìm sự thật về cái chết của người cha. Đồng hành với anh em ông Dương Minh Trị là rất nhiều đồng chí đồng đội xưa kia của ông Dương Ngọc Chánh và cả phóng viên Truyền hình CAND. 

Tiếp tục những lá đơn gần như tuyệt vọng của người anh cả Dương Minh Trị về cha mình cuối cùng đã đến được tay những người có trách nhiệm:

Ngày 14/12/2000, Tổng cục An ninh nhân dân - Bộ Công an đã có công văn số 1973/A11 (A35) gửi Ban Kiểm Tra Đảng và Ban bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Trong công văn nêu rõ: “Sau khi nhận được đơn của ông Dương Minh Trị, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định kiểm tra xác minh tài liệu trong hồ sơ lưu trữ của ta, hồ sơ tình báo viên, mật báo viên của các cơ quan tình báo Mỹ - Ngụy và đảng phái phản động ta thu được của địch khi giải phóng miền Nam, nhưng đến thời điểm này chưa phát hiện tài liệu nào kết luận ông Dương Ngọc Chánh làm việc cho địch. Ngày 20/4/1989, tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo đình chỉ điều tra, đến nay chưa có ý kiến chỉ đạo để giải quyết khiếu kiện của gia đình ông Chánh. Thực tế trong việc chỉ đạo để giải quyết vụ khiếu kiện của ông Dương Minh Trị, cấp ủy đảng địa phương có biểu hiện bao che nội bộ, mất dân chủ và cực đoan thể hiện như việc yêu cầu các đảng viên không được xác nhận minh oan cho ông Chánh, kiểm điểm và kỷ luật những đảng viên tiếp tục xác nhận minh oan cho ông Chánh, yêu cầu các cơ quan Nhà nước cho các con ông Chánh thôi việc vì lý do khiếu kiện phá rối nội bộ…”

Bà Nguyễn Thị Cầu cùng con trai Dương Minh Trị - Thắp hương cho con trai là liệt sỹ Dương Minh Ninh tại nghĩa trang liệt sỹ An Giang - Mỹ Đức - Phù Mỹ - Bình Định

Ngày 6/8/2001, Tổng cục ANND tiếp tục có công văn số 1028/A11 (A35) gửi Ban Kiểm tra Đảng và Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương khẳng định “Cơ quan an ninh đã tập trung thu thập tài liệu từ nhiều nguồn bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan khoa học có thể khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không phải là gián điệp phản động hay công tác cho địch”.

Ngày 16/11/2009, Ban tổ chức Trung ương đã có công văn số 6861 gửi Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định kết luận “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng. Ban tổ chức Trung ương đề nghị Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ biết ông Dương Ngọc Chánh đã được cơ quan chức năng kết luận không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng”.

Mọi chuyện tưởng chừng như đã mở ra một giai đoạn mới tươi sáng cho gia đình ông Dương Ngọc Chánh, thế nhưng tất cả những công văn xác nhận minh oan cho ông Chánh từ các cấp có thẩm quyền Trung ương và Bộ Công an đều tiếp tục rơi vảo quên lãng khi chính quyền địa phương sở tại một mực khăng khăng rằng ông Chánh có tội, ông Chánh là tay sai cho địch và nhất quyết không chịu làm các hồ sơ truy phong người có công với cách mạng cho ông Dương Ngọc Chánh.

(xem tiếp P2)

No Comment