NIỀM VUI SAU HƠN 40 NĂM BỊ HÀM OAN Dương Ngọc Chánh Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015 No Comment


(Viết theo lời kể của Dương Minh Trị ) 
- Năm 1968, trong lúc quân dân ta và cả Miền Nam phấn khởi trước thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thì gia đình tôi lại mang một cái tang oan ức cùng với bảng lý lịch chính trị đen tối. Đó là sự kiện cha tôi, ông Dương Ngọc Chánh một cơ sở của cách mạng bị một kẻ đội lốt cán bộ cách mạng giết hại và vu oan.



- Vốn là một giáo viên tiểu học ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ, Bình Định). Sau hiệp định Giơnevơ, cũng như bao gia đình khác ở Miền Nam, cha mẹ tôi sống dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm nơm nớp trong lo âu và yêu nước. Sau 1955, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai Miền Nam - Bắc ngày càng mạnh mẽ, việc đàn áp của Mỹ-Diệm cũng ngày càng khốc liệt. Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch, năm 1955 ông Võ Tấn Phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ được phân công về xã Mỹ Đức cùng với ông Dương Đình Khải cán bộ địa phương hoạt động. Thấy cha tôi ( ông Dương Ngọc Chánh ) vừa là giáo viên vừa là y tá tư có uy tín trong nhân dân, nên đã vận động và tổ chức ông làm cơ sở mật của cách mạng và sau đó tổ chức đưa ông ra ứng cử Hội Đồng dân chính của địch. Với chức vụ Thư ký Ban Đại diện xã, đội lốt là người của địch ông đã hết lòng phục vụ cách mạng, đưa nhiều tin tức chủ trương quan trọng và tài liệu mật của địch cho ta đối phó có hiệu quả, tạo điều kiện giúp đỡ cách mạng nhiều thuốc men, lương thực giải quyết khó khăn trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa phương, đầu mối thường xuyên liên lạc bí mật với cha tôi lúc bấy giờ là hai đảng viên Trương Thị Đổng và Nguyễn Tàm, ngày giải phóng Miền Nam các bác, các cô nói trên còn sống và đã xác nhận sự thật như vậy. Cha mẹ tôi rất tự hào về công tác của mình. Đùng một cái ngày 10/07/1968, Nguyễn Ngưu một tên phản bội đầu hàng giặc khéo che đậy thân thế đã chui vào hàng ngũ cách mạng, khi phong trào đấu tranh chống Mỹ ở địa phương lên cao, y đã hoạt động tích cực, 1968 y được kết nạp vào đảng và làm phó chỉ huy an ninh vũ trang của xã, đã dựng lên câu chuyện mờ ám, vu cáo cha tôi là cộng tác viên của địch và bắt giam cha tôi, sau đó dựng lên hiện trường giả nói cha tôi chạy trốn và đã giết chết cha tôi bằng hai phát súng giữa đêm khuya.

         - Lúc đó, tôi mới 13 tuổi cực kỳ đau đớn vì cái tang cha không rõ lý do, chỉ nghe mẹ tôi nói là vì cha tôi biết cái lai lịch của Nguyễn Ngưu, thấy y có chức quyền làm nhiều điều càn quấy, ông can gián đi đến cãi vã và có lần ông đã chửi vào mặt y, nói : Mày là thằng đầu hàng địch, dân không ai tin mày đâu! Nên y thù ghét cha tôi và để bịt đầu mối, Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền cách mạng thủ tiêu cha tôi và gán lên gia đình tôi một vết nhơ chính trị là “nhà có người cộng tác với địch bị cách mạng xử lý” Mẹ tôi vô cùng căm phẩn, nhưng trước tình hình chiến tranh ngày càng khốc liệt, bà đã nuốt sâu cay đắng vào lòng và khuyên nhủ 5 anh em chúng tôi “ cha các con bị giết chết oan! Đảng không có lỗi, cách mạng không có lỗi các con tin ở mẹ, cha con sẽ được Đảng minh oan”  hãy bình tĩnh, lớn lên tham gia chiến đấu vì quê hương đất nước làm tròn nghĩa vụ với cách mạng để không phụ vong linh cha. Vâng lời mẹ, gát lại riêng tư. Năm 1972 tôi tròn 17 tuổi, tình nguyện theo cách mạng, thoát ly vào chiến trường công tác ở Bệnh xá Khu đông thuộc tỉnh Bình Định. Sau Miền Nam hoàn toàn giải phóng về công tác ở Ty Y Tế ( sau là Sở Y Tế ) tỉnh Bình Định. Nhưng nỗi bất hạnh vì bản án oan của cha, mà hậu quả anh em chúng tôi gánh chịu. Năm 1978 tôi học hết cấp 3 muốn theo nghề cha là học bác sỹ cứu người, phục vụ nhân dân được lãnh đạo Ty Y tế đồng ý cho đi thi, nhưng Ban tuyển sinh đã gạch bỏ không cho tôi thi vào đại học chỉ vì cái lý lịch của tôi ở địa phương xác nhận là “con của cộng tác viên làm tay sai cho địch, bị cách mạng xử lý”. Mỗi mùa tuyển sinh hàng năm tôi đều thất vọng là không được đi thi vào đại học, nhìn lại các bạn tôi từ trên “rừng” về được cống hiến cho cuộc đấu tranh gỉai phóng đất nước đều được học đại học, còn đối với bản thân tôi việc đi học đại học là một giất mơ và thật tủi thân... Và dù phấn đấu hết mình vẫn không được kết nạp vào đảng. Em tôi là Dương Minh Toàn học trường trung học Nông nghiệp của tỉnh không được cấp bằng tốt nghiệp và em gái tôi là Dương Thị An giáo viên dạy từ năm 1978 dù phấn đấu thế nào cũng không được kết nạp vào đảng, cũng chỉ vì cái lý lịch gia đình như của tôi. Thậm chí, đau đớn hơn là em trai của tôi Dương Minh Ninh là chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở chiến trường Camphuchia được quân đội đưa hài cốt về mai táng ở nghĩa trang liệt sỹ Mỹ Đức, lại bị Nguyễn Ngưu, người giết cha tôi vì tư thù đã đề nghị chính quyền đào mồ lên và đem đổ xác em tôi ra biển vì em tôi là con của “ác ôn”. Đề nghị của y bị sự phản đối quyết liệt của nhân dân. Bởi vì y trong thời gian làm phó ban an ninh xã lộng hành, giết hại một số người lương thiện và hiếp dâm, cướp đoạt tài sản của dân, đã bị chi bộ an ninh xã vạch mặt, đề nghị Đảng ủy xã khai trừ khỏi đảng và cho nghỉ việc, từ sau vụ giết oan cha tôi, với bảng kỷ luật: “Nguyễn Ngưu đã lợi dụng chức quyền và điều kiện cho phép, đã bắt người không có tội, giết người không có bản án, cáo trạng, không mở tòa án nhân dân và cưỡng dâm, cướp của mốt số nạn nhân” Nguyễn Ngưu ngang nhiên nói cha tôi là “ác ôn”, nhưng chính y mới là “ác ôn” thứ thiệt.


-         Đau xót và oan ức, vâng lời mẹ, tôi đã đi tìm các nhân chứng là các bác, các cô công tác cùng thời với cha tôi, những người đã tổ chức và liên lạc với cha tôi trong những năm ông làm cơ sở cho cách mạng, để các bác là những nhân chứng còn sống xác nhận cho tinh thần trung thành với cách mạng và đất nước của cha tôi, cũng như xác nhận những hành động tội lỗi của tên Nguyễn Ngưu trong thời gian y đội lốt phó ban an ninh xã Mỹ Đức, trong đó có bác Võ Tấn nguyên phó bí thư huyện ủy Phù Mỹ, bác Dương Đình Khải, cô Trương Thị Đổng, chú Nguyễn Tàm là người tổ chức cha tôi làm cơ sở và liên lạc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cha tôi. Thời gian đầu có bác Lê Văn Đáng nguyên là bí thư xã Mỹ Đức thời kỳ 1961, chú Nguyễn Ngọc Phách nguyên là phó bí thư đảng ủy xã Mỹ Đức kiêm bí thư chi bộ an ninh vũ trang xã, người đã trực tiếp bắt tại trận Nguyễn Ngưu đang cưỡng hiếp phụ nữ ở Quang Nghiễm, bác Nguyễn Thanh Bằng bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức 1968, người trực tiếp kiểm điểm Nguyễn Ngưu và thay mặt Đảng ủy xã ký quyết định khai trừ Nguyễn Ngưu khỏi Đảng về tội xử lý người vô cớ và cướp tài sản, cưỡng hiếp công dân. Sau khi có đầy đủ nhân chứng và lời xác nhận, tôi làm đơn xin minh oan cho cha, gởi đến các cấp ủy từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. 


-         Trong khi chờ đợi sự thẩm định, kiểm tra của các cấp. Thì năm 1989, có thể nói đây là giai đoạn bi thảm nhất cuộc đời tôi; một người có hơn 17 năm công tác trong ngành y tế, hết ở chiến khu về đến Sở Y tế tôi không ngừng một ngày cố gắng làm việc để xứng đáng với truyền thống yêu nước của người cha xấu số. Tôi được nhà nước tặng Huy chương chống Mỹ hạng nhất, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng huy chương quyết thắng, Bộ Y tế tặng huy chương về sức khỏe nhân dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy chương vì sự nghiệp Công Đoàn. Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tặng nhiều bằng, giấy khen luôn hoàn thành chức trách của mình, nhưng việc xin đi thi và học đại học vẫn bị một vị lãnh đạo Ban tuyển sinh của tỉnh không cho đi “vì lý lịch cha tôi bị cách mạng xử lý” trong khi đó về phía gia đình mẹ tôi bà Nguyễn Thị Cầu được nhà nước cấp Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3, em trai là liệt sỹ hy sinh chiến trường Campuchia được nhà nước công nhận là liệt sỹ, thật may cho tôi lúc này một số tờ Báo đã lên tiếng đó là báo Tiền phong có loạt bài “ Vụ án 20 năm trước” số 4+5 năm 1989; “Nguyễn Ngưu là ai” số 11 năm 1989” Báo Văn Hóa Nghệ Thuật số17 (267) kỳ 1-9 năm 1989 có bài “Hai bà mẹ một nỗi oan”, báo Nghĩa bình số 1531 ngày 21 tháng 03 năm 1989 có bài “Truy tìm một sự thật” nói lên cái chết oan khuất của cha tôi cần phải được Đảng thẩm tra, kết luận minh oan cho cha tôi, Nhưng sự đời không đơn giản như mình mong muốn tôi đã đi gõ cửa và gặp trực tiếp các vị lãnh đạo của tỉnh thời đó và đều nhận câu trả lời “chưa có chủ trương minh oan của Đảng” tôi tiếp tục chờ đợi trong tuyệt vọng. Nhưng phải nói cho công bằng sau khi dư luận lên tiếng (1989) em trai tôi Dương Minh Toàn được nhận bằng tốt nghiệp, mẹ tôi được hưởng chế độ liệt sỹ và được cấp Huân chương kháng chiến hạng 3, bản thân tôi sau đó năm 1990 mới được đi học đại học sau 15 năm mong muốn và chờ đợi. Đến thế hệ con trai tôi Dương Minh Tân (cháu nội cha tôi) học đại học tại Bình Định, qúa trình học tập và phấn đấu tốt, được học lớp đối tượng Đảng tại trường nhưng không kết nạp đảng được vì “ lý lịch ông nội bị cách mạng xử lý, cha chưa vào đảng” cháu rất buồn, khi tốt nghiệp lọai khá con tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống và tôi lúc bây giờ (cuối năm 2001 Bộ Trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương về làm việc tại Bình Định) tôi gặp và trình bày hòan cảnh và muốn xin về thành phố Hồ Chí Minh làm việc trong ngành y tế), chắc Bộ trưởng đã thấy và chia xẻ hoàn cảnh của tôi, sau đó được Bộ Y tế điều động vào làm việc tại một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tại TP-HCM. Thật may mắn cho tôi, cũng hồ sơ lý lịch khai rỏ ràng trung thực như lúc còn làm việc ở Sở Y tế Bình định, sau hơn 30 năm phấn đấu làm việc nhưng không được xem xét kết nạp đảng, ở đây Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, sau làm việc với các cơ quan của Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh,  được Đảng ủy khối sơ sở Bộ Y tế, trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chi Minh có công văn số 61-CV/ĐUK ngày 25/5/2004 gửi Chi ủy Chi bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh “ Trích kết qủa thẩm tra xác minh số 460-CV/NBTU ngày 29/3/2004 của Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lịch sử chính trị và quan hệ hiện nay của anh Dương Minh Trị hiện là Quyền trưởng phòng Tài chính Kế tóan Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có đọan: “ngày 12 tháng 02 năm 2004 Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy TP Hồ Chí Minh thông báo kết luận của cơ quan chức năng: “kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”sau đó tôi được chuẩn y kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng mới giải tỏa ở cấp tỉnh và cấp thành phố, còn nỗi oan của cha tôi người nằm dưới mồ và vết đen chính trị của gia đình, của lý lịch tôi ở tại địa phương xã nhà vẫn chưa được công khai minh oan và rữa sạch. Nhiều lần tôi đã đề nghị với tỉnh nhưng vẫn trôi qua.


Đến tháng 2 năm 2009 trong buổi họp đồng hương Phù Mỹ để  mừng Đảng, mừng Xuân năm Kỷ Sửu, tôi gặp Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là đồng hương và bạn học với cha tôi từ thời niên thiếu. Sau khi nghe tôi tâm sự về nỗi oan của gia đình mình, Thiếu tướng xúc động và giúp tôi viết một bức thư đạt lý thấu tình, gửi cho Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, đề nghị vì uy tín và niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Trung ương có sự chỉ đạo cho tỉnh Bình Định và huyện Phù Mỹ thông báo kết luận của Tổng cục An ninh và Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trương ương đến tận xã Mỹ Đức và Chi bộ Đảng ở địa phương về ông Dương Ngọc Chánh là cơ sở cách mạng, lúc bị giết hại là một giáo viên của ta ở vùng giải phóng, bị hàm oan chứ không phải là cộng tác viên của địch, để xã thông báo cho nhân dân biết và xóa đi được vết nhơ oan ức cho lý lịch chính trị ông Chánh và gia đình, được hưởng sự trong sạch như mọi gia đình công dân khác. Đồng thời kèm với bức thư của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm là đơn đề nghị tha thiết của tôi gởi Ban Bí Thư với nội dung như thư của Thiếu tướng.


Ngày 16-11-2009 công văn số 6861/CV/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương gởi Ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Định, “sau khi nghiên cứu hồ sơ ông Dương Ngọc Chánh được biết ngày 12 tháng 2 năm 2004, Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương có công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thông báo việc Tổng Cục An ninh, Bộ Công an có các Công văn số 1973/A11  ngày 14-12-2000: số 1028/A11 ngày 6-8-2001 và số 524/A35 ngày 22-12-2003 “kết luận Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên hay cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Và chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo đến Đàng ủy xã Mỹ Đức, huyện ủy Phù Mỹ (quê của Dương Minh Trị) biết nội dung của kết luận trên. Ngày 09-12-2009, thực hiện công văn số 6861-CV/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định đã có công văn số 3165-CV/BTCTU gởi đến Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân huyện Phù Mỹ; Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức, đề nghị lãnh đạo và thực hiện theo kết luận các cơ quan chức năng về vấn đề lịch sử chính trị của ông Dương Ngọc Chánh mà công văn số 6861 của Ban Tổ Chức Trung ương đã nêu.


Ngày 24-12-2009, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức đã triễn khai thông báo hai công văn của Ban tổ chức Trung ương Đảng và Ban tổ chức tỉnh ủy Bình Định và  phổ biến về chi bộ Đảng thôn An Giang Tây, quê của cha tôi là ông Dương Ngọc Chánh đã sinh ra và bị chết oan .


Thế là sau 42 năm (1968-2010) nổi hàm oan của cha tôi đã được minh oan công khai trước nhân dân, cái bản án mập mờ của kẻ xấu vu cáo cha tôi và lý lịch chính trị của gia đình tôi bị phủ lên lớp màn đen “gia đình có người làm cộng tác viên cho địch bị cách mạng xử lý” đã được xóa bỏ. Những ngày Kỷ Sửu đi, Canh Dần đến là những ngày vui trọng đại đối với gia đình tôi không gì có thể so sánh được. Từ đây, cũng như mọi gia đình khác trên đất nước Việt Nam, gia đình tôi tự hào là một gia đình yêu nước, trong sáng, được hưởng mọi quyền lợi và làm tròn nhiệm vụ của một công dân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng của Đảng và chính quyền các cấp đã thẩm tra, kết luận để giải oan cho cha tôi và gia đình tôi. Nhất là đối với cơ quan Tổng Cục An ninh, Bộ Công An và Ban tổ chức Trung ương Đảng, thật “Đảng ta là Đảng của công bằng, văn minh”. Tôi vô cùng cảm ơn các bác, các chú, các cô cùng thời với cha tôi đã nói lên lời nói trung thực trong bản xác nhận của mình để giúp tôi có cơ sở kêu oan cho cha, cảm ơn Thiếu tướng Phùng Đình Ấm người bạn học tuổi niên thiếu của cha tôi nhân hậu, nghĩa tình và các Báo Tiền phong, Báo Văn Học- Nghệ Thuật, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã góp phần giúp tôi trong cuộc kêu oan vì ánh sáng và công lý trong suốt hơn 40 năm qua của tôi và đã đạt được mục đích cuối cùng.

Viết theo lời kể của Dương Minh Trị Thanh tra viên chính Thanh tra Bộ Y tế, công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, con trai của ông Dương Ngọc Chánh người bị hàm oan hơn 40 năm qua

THIẾU TƯỚNG    PHÙNG ĐÌNH ẤM

No Comment