Xem "Bài viết trước đây"

Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng: Nhiều lão thành cách mạng bác cáo buộc

Nhiều lão thành cách mạng hoạt động cùng thời với ông Dương Ngọc Chánh đều khẳng định ông là người của tổ chức cách mạng, chứ không phải “kẻ có tội” như kết luận của chính quyền xã Mỹ Đức (H.Phù Mỹ, Bình Định).


Đóng góp nhiều công với cách mạng

Sau khi đọc bài Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng trên Báo Thanh Niên ngày 2.8, cụ Trương Thị Đổng (94 tuổi, ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, giữ chức Bí thư phụ nữ xã Mỹ Đức từ năm 1955) kể: Năm 1955, cụ được giao nhiệm vụ móc nối, xây dựng ông Chánh, vốn là giáo viên và làm nghề y tá tư nhân tại xã Mỹ Đức, vào tổ chức cách mạng. Tổ chức đã thống nhất phân công ông Chánh làm giáo viên cho chính quyền của địch để nắm tình hình và chủ trương của địch nhằm kịp thời báo cho tổ chức cách mạng. Từ năm 1955 - 1968, ông Chánh nhiều lần cung cấp thông tin, trị thương cho các chiến sĩ cách mạng, vận động người dân phá ấp chiến lược, cung cấp bản đồ và địa điểm đóng quân của địch cho bộ đội, đóng góp lương thực, tiếp tế thuốc kháng sinh, thuốc trị sốt rét cho cách mạng...

“Năm 1963, cán bộ cách mạng của H.Phù Mỹ tổ chức họp triển khai công tác tại rừng Châu Trúc (xã Mỹ Đức). Địch biết được thông tin này nên cũng tổ chức họp để bàn kế hoạch cho quân xuống vây bắt. Ông Chánh làm thư ký, ghi biên bản cho cuộc họp của địch nên nắm được thông tin. Họp xong đã 23 giờ đêm nhưng ông Chánh vẫn chạy đến nhà để báo cho tôi biết. Tôi liền báo cho tổ chức cách mạng giải tán cuộc họp gấp. Hôm sau, khi địch đến vây bắt thì người của ta đã rút an toàn. Nếu không có thông tin của ông Chánh thì thiệt hại cho cách mạng sẽ rất lớn”, cụ Đổng nói.

Ông Dương Ngọc Chánh




Sai lầm phải khắc phục

Năm 2016, ông Phan Năm (giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ từ năm 1963 - 1969, sau đó giữ chức Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ) gửi thư cho các cơ quan T.Ư, tỉnh Bình Định, H.Phù Mỹ để kể về “tội ác” của ông Dương Ngọc Chánh. Trong thư có nội dung cho rằng ông Chánh chỉ đạo đàn em tập kích trung đội du kích xã đóng tại Vạn Thiết (ở xã Mỹ Đức) vào ban đêm làm chết 3 người, trong đó có “đồng chí Có xã đội trưởng, đồng chí Thị Duyên và 1 đồng chí nữa quên tên”.

Ông Vũ Mộng Thúy (69 tuổi, ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, H.Phù Mỹ - du kích xã Mỹ Đức trong những năm kháng chiến chống Mỹ) cho rằng nội dung trong văn bản nói trên là không chính xác.

“Tôi cũng có mặt trong trung đội du kích xã đóng tại Vạn Thiết khi bị địch tấn công. Ông Lê Văn Có, Xã đội trưởng xã Mỹ Đức, hy sinh trong trận này và sự việc diễn ra vào năm 1969, trong khi ông Chánh bị giết năm 1968. Còn nhân vật Thị Duyên được nhắc đến là Nguyễn Thị Duyên, cháu gọi tôi bằng cậu, thì hy sinh tháng 11.1974”, ông Thúy nói.

Theo ông Nguyễn Hồ (ở TT.Phù Mỹ, H.Phù Mỹ - tham gia cách mạng tại H.Phù Mỹ từ năm 1962), tháng 4.1989, Huyện ủy Phù Mỹ có Văn bản số 10/CV-HU với 3 con dấu và chữ ký của 3 người đứng đầu các cơ quan Huyện ủy, UBND và UB MTTQ VN H.Phù Mỹ gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị kỷ luật ông Dương Minh Trị (con trai ông Chánh) vì kêu oan cho cha là người chống phá cách mạng. Ông Hồ lúc đó giữ chức Chủ tịch UB MTTQ VN H.Phù Mỹ, cũng ký vào văn bản nói trên. Tuy nhiên, tháng 4.2017, ông Hồ đã làm đơn tự rút chữ ký của mình khỏi văn bản này.

“Sau khi biết các văn bản của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư khẳng định ông Chánh không phải là người của địch, giấy xác nhận của ông Võ Tấn (Phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ từ 1955 - 1959) và một số cán bộ cách mạng đều khẳng định ông Chánh là cơ sở cách mạng, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng ông Chánh. Sự thay đổi của tôi bị một số người không đồng tình nhưng tôi vẫn kiên quyết khắc phục sai lầm của mình”, ông Hồ nói.

PV Thanh Niên nhiều lần liên lạc với ông Trần Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, để làm rõ vụ việc ông Chánh nhưng đều bị từ chối.

Ông Lê Đình Giám, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, cho biết tháng 5.2017 Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã họp và đưa kết luận đề nghị Đảng ủy xã Mỹ Đức triển khai thực hiện kết luận của Ban Tổ chức T.Ư, nhưng Đảng ủy xã Mỹ Đức vẫn chưa thực hiện.


Theo Hoàng Trọng - Báo Thanh Niên

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Vụ 50 năm chưa được minh oan: Nhân chứng sẵn sàng đối chất

Ông Vũ Mộng Thúy, nhân chứng, sẵn sàng đối chất để minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh

Liên quan đến vụ gia đình ông Dương Ngọc Chánh (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) kêu oan cho chồng, cha nhưng suốt 50 năm vẫn chưa được minh oan (Báo Người Lao Động ngày 10-7 đã thông tin), theo tìm hiểu của chúng tôi, việc Đảng ủy xã Mỹ Đức không xác nhận hồ sơ khen thưởng cho ông Chánh là do có ý kiến không đồng thuận.
Năm 2010, dù đã có kết luận của Ban Tổ chức trung ương là ông Dương Ngọc Chánh không có tội, ông Phan Văn Năm (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, kiêm trưởng Ban Tổ chức và Trưởng Ban An ninh huyện Phù Mỹ, giai đoạn từ năm 1963-1969, người ra lệnh bắn ông Chánh) vẫn gửi đơn đến các cơ quan khẳng định ông Chánh có tội. Theo đó, từ năm 1965 đến năm 1966, ông Chánh cùng cảnh sát dã chiến khui hầm bí mật tại thôn An Giang, bắt và thủ tiêu ông Võ Trưởng, Phó Bí thư huyện đoàn Phù Mỹ; giao nhiệm vụ cho đàn em dùng lựu đạn, tập kích vào trung đội du kích xã làm chết 3 người, 2 người bị thương. Ngoài ra, ông Chánh báo cho địch dùng máy bay B52 tập kích vào trạm xá của huyện làm chết và bị thương nhiều người.

Văn bản của Ban Tổ chức Trung ương trả lời Văn phòng Trung ương Đảng và ông Phan Văn Năm khẳng định ông Dương Ngọc Chánh không có tội
Trả lời đơn ông Năm, ngày 12-4-2010, Ban Tổ chức trung ương có công văn với nội dung lịch sử chính trị của ông Chánh đã được Tổng Cục 1 (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh làm rõ. Theo đó, ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng. Qua nghiên cứu đơn thư của ông Năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng không phát hiện thêm các tình tiết mới liên quan đến lịch sử chính trị ông Chánh. Tuy nhiên đến năm 2016, ông Năm vẫn tiếp tục có đơn gửi các ban, ngành địa phương và trung ương với nội dung như cũ.
Cũng liên quan đến nội dung phản ánh của ông Năm, ông Vũ Mộng Thúy, sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Đức và là du kích xã thời điểm ông Chánh bị bắn chết, khẳng định: "Nội dung đơn của ông Năm hoàn toàn không đúng sự thật". Theo ông Thúy, nếu đi cùng cảnh sát dã chiến chỉ điểm cho địch, vì sao ông Chánh không bỏ trốn mà vẫn ở địa phương để phải bị giết? Về vụ ông Võ Trưởng, tháng 2-1968, ông Trưởng chết trong nhà lao Phù Mỹ cùng với 74 người khác, không phải chết trong giai đoạn từ năm 1965-1966 như ông Năm phản ánh. Về nội dung "giao nhiệm vụ cho đàn em dùng lựu đạn tập kích vào trung đội du kích xã", ông Thúy cho biết việc ông Năm nói ông Lê Văn Có chết vào thời điểm 1965-1966 là không trùng khớp với Bằng Tổ quốc ghi công mà nhà nước trao tặng cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Có (liệt sĩ Lê Văn Có hy sinh ngày 11-4-1969), còn người có tên đồng chí Duyên là Nguyễn Thị Khánh (tên thường gọi là Duyên), hy sinh ngày 19-11-1974. Riêng nội dung ông Chánh báo cho máy bay B52 tập kích, ông Thúy cho rằng ông Chánh không đủ trình độ để chấm tọa độ cho máy bay địch ném bom. "Tôi sẵn sàng đối chất với ông Phan Văn Năm để làm rõ vụ việc" - ông Thúy nhấn mạnh.
Theo Trường Hoàng - Báo Người Lao Động 

Sợ ngày ra đi chưa giải nỗi oan cho chồng!

Đó là nỗi lòng đau đáu của cụ Nguyễn Thị Cầu (85 tuổi), ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định. Gần 50 năm qua, cụ và các con liên tục kêu oan cho chồng, cha mình.


Có công thành có tội

Theo hồ sơ của ông Dương Minh Trị (ở P.4, Q.8, TP.HCM; con trai cụ Nguyễn Thị Cầu) gửi Báo Thanh Niên, ông Dương Ngọc Chánh (cha ông Trị, sinh năm 1924) làm nghề y tư nhân và dạy học, sống tại thôn An Giang, xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông Chánh từng hoạt động, giúp đỡ cách mạng từ năm 1955 đến 1968. Tháng 7.1968, ông Nguyễn Ngưu, Phó an ninh xã Mỹ Đức, chỉ đạo 3 nhân viên an ninh xã dẫn giải ông Chánh về trụ sở vì cho rằng “ông Chánh là gián điệp, mật báo viên, tình báo chống phá cách mạng”. Ngay trong đêm, ông Chánh bị trói, áp giải lên huyện nhưng bị sát hại trên đường đi.

Năm 1972, ông Trị thoát ly, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1975, dù đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng ông Trị không được kết nạp Đảng, không được cử đi học nghiệp vụ hay đào tạo cán bộ vì có “cha là phản động”. Em trai ông Trị là ông Dương Minh Ninh nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và hy sinh năm 1980.

Tháng 11.1980, Công an H.Phù Mỹ có văn bản gửi Ty Công an Nghĩa Bình khẳng định ông Chánh không có hành động chống đối cách mạng, từng làm cơ sở cho cách mạng trong vùng bị địch chiếm, nhưng chính quyền các cấp của địa phương vẫn không chấp nhận.

Ông Trị cùng mẹ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan T.Ư để tìm công lý cho ông Chánh, cuối cùng cũng được minh oan. Liên tiếp trong 2 năm 2000 và 2001, Tổng cục An ninh (thuộc Bộ Công an) đã có 2 công văn gửi Ban Kiểm tra T.Ư và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư báo cáo về trường hợp xảy ra cái chết của ông Chánh, trong đó có kết luận ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên của địch. Ngày 22.12.2003, Cục Bảo vệ chính trị 1 thuộc Tổng cục An ninh có báo cáo gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư khẳng định: Từ năm 2001 đến 2003, Cục Bảo vệ chính trị 1 đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Định và công an các địa phương liên quan xác minh về cái chết của ông Chánh, kết luận “ông Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”. Ngày 12.2.2004, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư có công văn gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy TP.HCM cũng kết luận: Ông Chánh không phải là phản động. Năm 2005, ông Trị mới được kết nạp Đảng.

Địa phương vẫn không nghe

Sau khi Tổng cục An ninh có văn bản minh oan cho ông Chánh, từ năm 2000 đến nay, ông Trị liên tiếp gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng cho cha. Tuy nhiên, Đảng ủy xã Mỹ Đức vẫn giữ nguyên quan điểm ông Chánh có tội nên không xác nhận hồ sơ khen thưởng. Cuộc họp Đảng ủy xã Mỹ Đức mở rộng vào tháng 5.2011 đưa ra kết luận: Hành động và tội ác của Dương Ngọc Chánh đã quá rõ ràng, là tên phản cách mạng có hệ thống đã gây ra nhiều nợ máu và tội ác với nhân dân xã Mỹ Đức! Ngày 20.3.2017, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ có công văn trả lời ông Dương Minh Trị, trong đó khẳng định: Ông Dương Ngọc Chánh không có công với cách mạng nên không có thành tích để xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Ngày 9.5.2017, Ban Tổ chức T.Ư tiếp tục có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định báo cáo cụ thể toàn bộ sự việc về trường hợp ông Dương Ngọc Chánh, tình hình hiện nay và hướng xử lý, giải quyết của địa phương. “Chúng tôi đã thông báo vụ việc cho Huyện ủy Phù Mỹ và Đảng ủy xã Mỹ Đức về ý kiến của Ban Tổ chức T.Ư và đang đôn đốc họ thực hiện ý kiến chỉ đạo này”, ông Trương Thiên Thành, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, cho biết.

Ngày 31.5, Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã họp và kết luận đề nghị Đảng ủy xã Mỹ Đức triển khai thực hiện kết luận của Ban Tổ chức T.Ư. Tuy nhiên, ngày 21.7, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức, cho biết: “Chúng tôi vẫn thống nhất quan điểm tại cuộc họp Đảng ủy xã Mỹ Đức mở rộng vào tháng 5.2011 như lâu nay đã báo cáo, ông Chánh có tội chứ không có công nên không đề nghị khen thưởng”.

Ông Trị cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn, hồ sơ đề nghị các cơ quan chức năng khen thưởng cho cha. “Mẹ tôi được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, em tôi được công nhận là liệt sĩ. Nhưng nghĩ đến nỗi oan khuất của cha suốt mấy mươi năm trời mà rơi nước mắt. Mẹ tôi gần đất xa trời rồi, chỉ mong mỏi có ngày chồng mình được giải nỗi oan, được công nhận là người có công với cách mạng như những gì ông đã làm khi còn sống”, ông Trị nói.

Hoàng Trọng Báo Tuổi Trẻ

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017